Nông sản Mê Linh trước tình trạng cung vượt cầu

03/03/2021 2:29 PM

(Chinhphu.vn) - Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cùng với thời tiết thuận lợi và tình trạng sản xuất gối vụ dày đặc (5-6 lứa một năm) nên lượng nông sản trên địa bàn huyện Mê Linh đã rơi vào tình trạng “cung vượt quá cầu”. Tuy nhiên, thực tế không có chuyện “người nông dân khóc ròng hay phải đổ bỏ nông sản” như một số thông tin đã đưa.

Ông Đàm Văn Đua- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao cho biết, cà chua đạt chất lượng đang tiếp tục được thu hoạch để mang đi tiêu thụ. Ảnh: Thiện Tâm.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, Mê Linh được coi là vựa rau của Hà Nội, lượng rau thường xuyên có ở trên đồng ruộng trên dưới khoảng 1.000 ha, vụ Hè giảm đi nhiều còn 500 ha - 600 ha nhưng vụ Đông cao điểm nhất có lúc lên đến 1.600 ha.

Năm nay do thời tiết thuận lợi và việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất cũng như thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại nên năng suất, sản lượng rau, hoa vụ Đông năm 2020 có tăng so với vụ Đông năm 2019 khoảng 4%.

Tính đến nay, theo thời vụ việc thu hoạch cây trồng vụ Đông năm 2020 được thực hiện cơ bản xong để tiến hành gieo trồng vụ Xuân năm 2021. Tuy nhiên, trong thực trạng sản xuất nhất là cây rau, hoa thì diện tích luôn có tính xen canh, gối vụ nhất là ở các vùng chuyên canh, tập trung (vừa thu hoạch xong thì tiến hành làm đất, gieo trồng luôn), chính vì vậy, diện tích rau các loại hiện đang trong giai đoạn thu hoạch trên địa bàn huyện còn 350 ha với sản lượng ước tính còn 8.368 tấn.

Riêng xã Tráng Việt, huyện Mê Linh có diện tích sản xuất rau khoảng 250 ha, trong đó tập trung chủ yếu tại vùng đất bãi sông Hồng của thôn Đông Cao khoảng 200ha; sản lượng rau các loại năm 2020 trên toàn xã đạt trung bình khoảng 40 nghìn tấn với các loại chủ yếu như: Củ cải, cà chua, cà rốt và các loại rau ăn lá khác.

Theo thống kê nhanh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, ông Đàm Văn Đua Giám đốc HTX Đông Cao cho biết, hiện nay có một số hộ dân trong thôn có thuê, mượn đất của các xã lân cận của huyện Đông Anh, Mê Linh để gieo trồng rau, hoa, cây ăn quả các loại nhưng chủ yếu là cà chua và củ cải, với tổng diện tích 65 ha tại xã Võng La, Đông Anh 11ha; xã Văn Khê khoảng 40ha; xã Chu Phan 10ha… Đây là một nguyên nhân làm tăng sản lượng ở xã Tráng Việt.

“Không có chuyện nông dân khóc ròng hay đổ nông sản”

Qua khảo sát thực tế tại huyện Mê Linh, hầu hết người nông dân trên xã Tráng Việt đều trực tiếp sản xuất nông sản hoặc tham gia vào khâu đóng gói, sơ chế nông sản… cho các thương lái để xuất đi tiêu thụ. Tính trung bình hằng năm người dân vẫn có nguồn thu nhập ổn định, tình trạng “được mùa rớt giá” là do sản xuất vụ quá dày cùng nhiều nguyên nhân khác tác động.

Theo ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, trên địa bàn xã đã hình thành một số chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao với các doanh nghiệp và chuỗi liên kết giữa các thương lái là người địa phương với các hộ nông dân. Hiện có khoảng 40 thương lái là người địa phương thường xuyên thực hiện hợp đồng thu mua ngay tại ruộng của các hộ ngay sau khi gieo trồng. Đây là hình thức liên kết chủ yếu trong sản xuất rau, củ, quả trên địa bàn xã Tráng Việt). Thời điểm được giá mua khoảng 3 nghìn/kg-4 nghìn/kg hoặc mua khoán cả ruộng, sau đó thương lái chủ động thuê nông dân thu hoạch về sơ chế (từ khâu đóng gói, rửa rau… nông dân đều được trả tiền). Theo đó, người dân chỉ việc sản xuất, còn thu mua đã có thương lái. Chính vì vậy, ông Phạm Thành Đô cho rằng: “Nếu nói nông dân thiệt hại thì không hẳn, chỉ có một số hộ dân- chiếm tỷ lệ nhỏ, họ tự trồng thì họ tự mang đi tiêu thụ”. Bởi vậy một số báo chí phản ánh “người nông dân khóc ròng là không đúng”. Trên thực tế người dân còn thúc ép thương lái thu hoạch để người dân lấy đất tiếp tục sản xuất. Tính trung bình nông dân chỉ cần bỏ vốn đầu tư 2 triệu/sào-3 triệu/sào để trồng củ cải, sau vụ thu hoạch được 6 triệu đồng. Thương lái thu mua lại từ nông dân mang ra thị trường tiêu thụ sẽ tăng lên 12 triệu/sào-13 triệu/sào. Chính “thương lái là người đang kêu” để được hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản, do thương lái thu mua nhưng không tiêu thụ được.

Thực tế cũng cho thấy số lượng củ cải đã quá lứa với chất lượng kém cũng không còn nhiều. Theo thống kê tại thời điểm hiện nay trên địa bàn thôn Đông Cao, xã Tráng Việt diện tích rau đến thời điểm thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch còn khoảng 59ha, với tổng sản lượng khoảng 1.800 tấn (37 ha củ cải với sản lượng ước đạt khoảng 1.400 tấn; cà chua 5ha, sản lượng khoảng 10 tấn; cải ăn lá các loại khoảng 17 ha, sản lượng khoảng 390 tấn). Trong đó có khoảng 8ha củ cải với sản lượng ước tính khoảng 400 tấn đã quá lứa hiện ra hoa, làm giảm chất lượng nên nhân dân phải thu hoạch để sơ chế làm củ cải khô, đối với diện tích không thể sử dụng được thì tiến hành ủ làm phân bón. Theo ông Phạm Thành Đô quan điểm của Huyện là: Phải giữ vững thương hiệu rau của Mê Linh, không thể vì lợi nhuận mà trục lợi, mang những sản phẩm kém chất lượng để đưa đi tiêu thụ.

Một điểm đáng lưu ý là diện tích canh tác củ cải của xã Tráng Việt chiếm khoảng 80ha. Hằng năm nhân dân sản xuất khoảng 5-6 lứa rau củ cải, rau ăn lá các loại, các vụ sản xuất gối nhau nên trên cánh đồng lúc nào cũng có sản phẩm thu hoạch. Cà chua và cà rốt được bà con trồng trong vụ đông và thu hoạch rải vụ đến tháng 3 năm sau. Do việc sản xuất rải vụ đến 5-6 lứa một năm nên thu nhập của người nông dân tại xã ổn định (khoảng 250 triệu/ha/năm), giảm rủi ro về sự thay đổi của giá cả nông sản. Trên cánh đồng xã Tráng Việt lúc nào cũng có 3-4 ha rau thường xuyên thu hoạch, cứ gối vụ liên tục, sản xuất dày dẫn đến tình trạng “nguồn cung nhiều hơn cầu”, trung bình một ngày cung cấp hàng trăm tấn rau các loại ra thị trường.

Tuy nhiên, hằng năm vào thời điểm chuyển từ vụ Đông sang vụ Xuân, đặc biệt là giai đoạn sau Tết Nguyên đán sản lượng rau tăng, giá thành rau, củ, quả thường giảm, đặc biệt là năm nay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên tác động đến việc kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện. Giá thành rau, củ, quả xuống thấp (củ cải giá 2.000 đồng/kg - 3.000 đồng/kg; cà chua 2.000 đồng – 3.000 đồng/kg), tiêu thụ chậm. “Từ đó dẫn đến sức mua giảm đi, lượng tiêu thụ chậm dẫn đến tình trạng người dân lại để ở đồng ruộng, không thu hoạch”, ông Đô giải thích thêm.

Bên cạnh đó, việc đưa rau vào các trường học, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ truyền thống đã bị ngừng lại, các thương lái bỏ cọc không thu mua, các doanh nghiệp liên kết e ngại việc tiêu thụ do không thể xuất hàng đi các tỉnh khác và các nước bạn. Nếu tình trạng tiêu thụ nông sản chậm kéo dài có thể nhiều rau, củ, quả trên địa bàn huyện sẽ bị quá lứa, giảm chất lượng và không thể sử dụng được.

Với những phân tích nêu trên, theo ông Phạm Thành Đô: Việc “giải cứu nông sản” ở Mê Linh không phù hợp chỉ nên “hỗ trợ bà con nông dân”. Bởi tình trạng nông dân đổ bỏ nông sản tại ruộng là không đúng, đó chỉ là những sản phẩm kém chất lượng hay hỏng phải đem tiêu hủy và để vệ sinh đồng ruộng. Đồng thời, mong muốn các cơ quan, đơn vị và nhân dân chung tay hỗ trợ, giúp người dân tiêu thụ nông sản.

Trao đổi với phóng viên, ông Đàm Văn Thìn, Phó Chủ tịch xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cho biết, qua nắm bắt thông tin một số báo chí phản ánh về tình trạng nông dân đổ bỏ nông sản, chính quyền xã đã vào cuộc kiểm chứng và nhận định không có tình trạng này. Bởirau sau thu hoạch vẫn phải có xác suất một vài % không đủ tiêu chuẩn” để đưa ra thị trường do nhiều nguyên nhân như: Củ sơ già, trổ ngồng bị xốp ruột, quá xanh hoặc quá to không đạt chất lượng đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, nếu rơi vào thời điểm trước Tết người dân tận dụng thời tiết hanh khô để phơi khô được củ cải nhưng với thời tiết hiện nay không thể phơi khô và không tận dụng được hết những củ cải kém chất lượng, vì vậy chỉ có thể đem đến nơi tập trung, phun chế phẩm để làm phân hữu cơ. “Nhưng cá biệt vẫn có những hộ không tuân thủ quy trình này mà đem đổ tự do hoặc cho máy làm đất vào cày xới để gối vụ luôn trong ngày hôm sau, nên có tình trạng phản ánh đổ nông sản đi”.

Mặc dù năm nay thu hoạch chậm, giá thấp hơn mọi năm nhưng theo ông Thìn người nông dân năm nay vẫn có lãi. Rau tính trung bình 2 tấn/sào nhưng thời điểm này là 3,5 tấn/sào nếu nhân với 1.000 đồng/kg thu mua thì người dân đã có 3,5 triệu đồng…  như vậy người dân vẫn có lãi.

Hay như cà chua, chỉ nên lấy 4kg/cây khi thu hoạch nhưng người nông dân lại để già và không lựa chọn lứa quả có chất lượng cao nhất để thu hái, mà thu hái từ quả gốc đến cả lứa cà ngọn (trong khi chỉ nên mang quả đạt chất lượng mang đi bán, còn lại phục vụ cho chăn nuôi hoặc để rụng tại gốc cũng sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng vụ sau). Vì vậy đã dẫn đến tình trạng chất lượng quả mang đi tiêu thụ không cao, không được thị trường đón nhận nhiều.

Tránh sản xuất ồ ạt “được mùa rớt giá”

Theo ông Đàm Văn Thìn để tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, Xã đã và đang tích cực vận động bà con nông dân sản xuất giãn cách dài thời gian giữa các vụ, do hiện nay sản xuất gối vụ quá dày. “Thậm chí có những hộ vừa thu hoạch đêm xong, sáng hôm sau đã làm đất để tiếp tục sản xuất ngay lứa mới…”, ông Thìn cho biết thêm.

Ông Phạm Thành Đô, trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cũng cho biết thêm, để giảm thiểu tình trạng sản xuất 5-6 lứa một năm huyện Mê Minh đang có hướng tổ chức thương lái thành Hiệp hội thương lái để “tránh tình trạng làm ăn chộp giật, mảnh ai nấy lo”. Vì chính thương lái sẽ là người điều tiết việc sản xuất của bà con nông dân để tránh tình trạng sản xuất dư thừa, cung quá cầu. Đồng thời khuyến cáo không để tình trạng khi có nhiều người mua lại tăng giá để trục lợi và đưa hàng kém chất lượng ra ngoài.

Tính từ 25/2/2021 đến 1/3/2021 sản lượng nông sản đã tiêu thụ trên địa bàn huyện Mê Linh được khoảng 600 tấn củ cải và cà chua. Trong đó các tiểu thương, thương lái trong thôn Đông Cao đã chủ động thu hoạch và tiêu thụ được 420 tấn củ cải, trong số sản phẩm đã ký hợp đồng với các hộ dân…

Với sản lượng dự kiến rau, củ, quả trên địa bàn xã Tráng Việt hiện đến thời kỳ thu hoạch còn khoảng 1.200 tấn, huyện Mê Linh sẽ chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND xã Tráng Việt và HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp để hỗ trợ nhân dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thành thu hoạch cây trồng vụ Đông, vệ sinh đồng ruộng để tiếp tục gieo trồng rau, màu vụ xuân năm 2021. Kiên quyết không đưa ra thị trường các nông sản không bảo đảm chất lượng để giữ gìn thương hiệu các nông sản của Mê Linh.

Đặc biệt, trong thời gian tới huyện Mê Linh sẽ làm việc với xã Tráng Việt cũng như các xã trên địa bàn Huyện để giúp các xã xây dựng Kế hoạch sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất rau, màu, cây ăn quả trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo để chủ động trong việc điều tiết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, “tránh tình trạng sản xuất cung vượt cầu”.

Thiện Tâm

Top