Phát động Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất năm 2017

18/05/2017 1:11 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 18/5, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Trung ương phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ Phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ nhất năm 2017.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Bích Phương

Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội.

Thành phố Hà Nội được chọn là địa phương trọng điểm tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.

Năm 2016 là năm đầu triển khai Luật ATVSLĐ cùng với hệ thống các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể các quy định của Luật ATVSLĐ đến doanh nghiệp và người lao động.

Năm 2016, cũng là năm tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 18. Việc tổ chức thành công 18 Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, cùng với triển khai hệ thống chính sách, pháp luật mới về ATVSLĐ nêu trên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động; công tác ATVSLĐ đã trở thành nề nếp, thói quen trong nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tạo nên sự gắn kết, phối hợp tốt hơn giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan chức năng với các đơn vị sản xuất kinh doanh và người lao động trong việc thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc.

Chính từ sự chuyển biến về ý thức, nhận thức đến những hành động cụ thể, thiết thực nêu trên, tần suất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ, rủi ro cao trong giai đoạn 2011-2016 đã giảm gần 5% so vơi giai đoạn 2006-2010. Trung bình hằng năm đã có khoảng 4 triệu người lao động được huấn luyện ATVSLĐ; số cơ sở giám sát môi trường lao động tăng gần 10%/năm;...

Tuy vậy, công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra hơn 7.900 vụ tai nạn lao động làm trên 8.200 người bị nạn, trong đó: số người chết là 862 người; số người bị thương nặng do tai nạn lao động là 1952 người (So với năm 2015, số vụ tai nạn lao động tăng gần 5% và số người chết do tai nạn lao động tăng gần 7%).

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, rất nhiều thách thức và nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ có nguyên nhân từ ý thức, kỷ luật lao động kém; kiến thức hạn chế về các yếu tố, nguy cơ mất an toàn từ công nghệ, thiết bị, hóa chất, nguyên vật liệu mới; chất lượng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu.

Đồng thời, đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động tập trung huy động các nguồn lực để đa dạng các hình thức huấn luyện, xây dựng các cơ sở đào tạo, huấn luyện chất lượng trên cơ sở phát triển các tài liệu huấn luyện sát thực, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động thông tin, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ nhất, gắn với các hoạt động của Tháng công nhân và hướng về doanh nghiệp, người lao động...

Tại lễ kỷ niệm, Bộ LĐTB&XH đã trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ-PCCN và trao cờ lưu niệm cho TP. Hà Nội, cờ luân lưu cho TPHCM-địa phương trọng điểm tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ lần 2 năm 2018.

Bích Phương

Top