Phát triển thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý

01/12/2016 2:45 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 1/12, Bộ Công Thương và UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý" nhằm trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các định hướng và khuyến nghị về xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thùy Linh

Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình "Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương" do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ, thực hiện trong 4 năm (2013-2017). Với mục tiêu nâng cao sự đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu ưu tiên thông qua việc nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu hiện tại và tiềm năng ở cấp vùng và địa phương.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, mỗi vùng miền Việt Nam đều có đặc sản riêng, nếu không chú ý quảng bá, xúc tiến thương mại, giá trị sản phẩm sẽ không được tăng cao. Nhóm đặc sản của chúng ta bị ảnh hưởng bởi yếu tố an toàn thực phẩm, nên việc sản xuất phải theo quy trình, kiểm tra, kiểm soát sản phẩm là hết sức cần thiết.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu các mô hình thành công trong và ngoài nước để hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu hàng nông sản và đặc sản vùng miền cũng như xác định phương thức phát triển thị trường và gia tăng giá trị cho các sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.

Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài….

PGS.TS Lê Thị Thu Hà, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, Việt Nam có 900 sản phẩm gắn với 700 địa danh nhưng vẫn còn tới 80% nông sản chưa có thương hiệu. Muốn phát triển thương hiệu nông sản phải dựa vào nguồn gốc như đặc tính, chất lượng phải gắn với vùng đất, văn hóa, di sản của một vùng đất, mối quan hệ giữa sản phẩm, văn hóa và con người.

Tồn tại trên có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp, sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, kỹ năng thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát, chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đã đạt được những kết quả nhất định trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Những năm qua, TP. Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý như ban hành cơ chế chính sách, hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tập thể; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ, phối hợp với nhiều tỉnh, thành trong cả nước tổ chức các chương trình liên kết vùng, kết nối cung cầu thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội.

“Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ, do đó để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là hết sức quan trọng”, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.

Thùy Linh

Top