Phòng, chống dịch tại chợ, siêu thị: Cần siết chặt, tránh lơ là

23/09/2021 3:49 PM

(Chinhphu.vn) - Là nơi cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày, chợ, siêu thị cũng chính là những địa điểm được cho là tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ lây lan dịch bệnh cao do tập trung đông người. Vì vậy, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ, siêu thị cần được chú trọng, tránh lơ là.

Người dân mua sắm tại siêu thị vẫn cần thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: Diệu Anh

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy công tác phòng, chống dịch vẫn được duy trì khá nghiêm túc. Đơn cử, tại chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), kể từ ngày 21/9, số lượng người tới chợ đông hơn so với ngày thường. Tuy nhiên biện pháp phòng, chống dịch được Ban Quản lý chợ thực hiện rất tốt. Trong chợ, các gian hàng được lắp thêm tấm chắn để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch. Trước cổng chợ, nhân viên liên tục yêu cầu người dân phải chấp hành nghiêm túc việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn và sát khuẩn tay trước khi vào chợ.

Còn tại chợ Xốm (Hà Đông), việc đi chợ bằng phiếu vẫn đang được duy trì. Tại đây, lực lượng chức năng kiểm soát việc ra vào chợ rất kỹ. Chính vì vậy, chợ khá thưa vắng khách, hoạt động mua sắm cũng chưa nhộn nhịp trở lại.

Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) vẫn lập chốt tại đầu đường chính vào chợ với khẩu hiệu "Không đeo khẩu trang không vào chợ" và kiểm soát việc đo thân nhiệt, xịt sát khuẩn cho chủ hộ kinh doanh và người dân ra, vào chợ. Qua đó, giúp các tiểu thương và người dân có ý thức hơn trong công tác phòng, chống dịch và bước vào giai đoạn bình thường mới theo chủ trương của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố…

Còn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố, mặc dù lượng khách hàng tăng cao nhưng ngay từ cửa ra vào, nhân viên các cửa hàng, siêu thị vẫn duy trì yêu cầu 100% khách hàng rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế đầy đủ và khuyến cáo người dân giữ khoảng cách khi vào mua hàng hóa. Đồng thời, các siêu thị cũng yêu cầu tất cả những người dân, nhân viên bán hàng đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trong quá trình tiếp xúc, trao đổi mua bán, giao dịch; khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến.

Lý giải nguyên nhân khiến các siêu thị đón một lượng lớn người tiêu dùng đến mua sắm trong mấy ngày qua, Giám đốc siêu thị Co.op mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung nêu rõ, TP. Hà Nội đã nới lỏng giãn cách xã hội nên người dân được phép ra đi ra đường mà không cần phải có phiếu đi chợ hoặc giấy đi đường như trước.

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong cho biết, một số siêu thị do đặc thù nằm xen kẽ, thậm chí là các tòa nhà của tư nhân cho thuê thì việc giữ khoảng cách  cũng còn nhiều trở ngại vì diện tích nhỏ, bày nhiều hàng hóa…Riêng với siêu thị Big C là do dịch COVID-19 khiến nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng nên chưa thể mở hết các quầy thanh toán.

“Dự kiến những ngày tới Big C Thăng Long sẽ tuyển thêm nhân viên phụ trách các quầy thanh toán. Trước mắt siêu thị huy động nhân viên văn phòng xuống thực hiện công đoạn thanh toán, qua đó bảo đảm giãn cách đúng quy định”, ông Phong nói.

Các siêu thị cũng khẳng định sẽ nỗ lực tối đa trong việc bảo đảm phòng, chống dịch như: Tăng cường nhân viên hướng dẫn khách hàng đảm bảo 5K trong quá trình mua sắm; thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở bằng loa truyền thanh; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc quét mã QR và khai báo lịch trình di chuyển.

Theo đại diện các siêu thị chia sẻ, đây là việc làm thiết thực để thực hiện Chỉ thị 15, góp phần nhắc nhở và phối hợp cùng khách hàng, người dân cố gắng thực hiện vì sức khỏe của mình và cộng đồng.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ở một số tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp, những nơi cung ứng hàng hóa như chợ, siêu thị là một trong những nơi tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Do đó, chính quyền các cấp, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn thành phố cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương, khách hàng vi phạm và ngay cả với những tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị quản lý không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Có thể thấy, việc mua sắm hàng hóa là nhu cầu chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mỗi người cần phải có ý thức trong việc bảo vệ bản thân và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh. Còn về phía siêu thị, ngoài bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân, phải đẩy mạnh tuyên truyền quy định 5K, không để người dân có tâm lý chủ quan. Như vậy, dịch COVID-19 mới sớm được ngăn chặn và đẩy lùi.

Diệu Anh

Top