Phục hồi du lịch là yếu tố quyết định mục tiêu tăng trưởng 2021

19/01/2021 10:03 AM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết sự phục hồi du lịch của Hà Nội là yếu tố quan trọng nhất, quyết định mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Vì vậy, giải pháp đặt ra bao gồm cả vấn đề ngắn hạn, dài hạn, tái cơ cấu du lịch không chỉ năm 2021 mà cả giai đoạn tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Gia Huy

Sáng 19/1, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Du lịch và ngành du lịch về kết quả thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020; kết quả của ngành du lịch Thành phố năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dịch COVID-19 đã gây thiệt hại lớn với ngành du lịch thế giới và trong nước. Từ tháng 1 đến tháng 10/2020 ngành du lịch thế giới sụt giảm, thiệt hại với ngành du lịch trong nước nặng nề, với Hà Nội du lịch sụt giảm chỉ đóng góp 3,4% vào GRDP của Thành phố. Vì vậy, cuộc làm việc với mong muốn tạo ra sực thúc đẩy tái cơ cấu ngành du lịch.

"Sự phục hồi du lịch là yếu tố quan trọng nhất, quyết định mục tiêu tăng trưởng của Hà Nội năm 2021; cũng như có đạt được mục tiêu giải quyết việc làm, bảo đảm dự toán thu ngân sách, mục tiêu sinh kế của hàng vạn người trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực liên quan hay không", Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Vì vậy giải pháp đặt ra bao gồm cả ngắn hạn, dài hạn, tái cơ cấu du lịch không chỉ năm 2021 mà cả giai đoạn tiếp theo.

Tổng thu du lịch sụt giảm 73% so với năm 2019

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, năm 2020, do tác động của dịch COVID-19 khiến hoạt động du lịch quốc tế dừng hoạt động và các đợt thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch theo quy định, đồng thời thay đổi hành vi tiêu dùng của xã hội do các vấn đề về thu nhập và lịch hoạt động, ngành du lịch Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự sụt giảm nguồn khách quốc tế đến, nguồn khách trong nước đi du lịch quốc tế và nguồn cầu du lịch trong nội địa.

Kết quả đón khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội năm 2020 chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2019, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, lưu trú, vận chuyển bị thiệt hại phải tạm dừng hoặc thôi không hoạt động.

Ngành Du lịch bị ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn do tác động tiêu cực sau 02 đợt bùng phát của dịch COVID-19. Khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,65 triệu lượt khách, giảm 70% với năm 2019; trong đó khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt khách, giảm 84,4%; khách nội địa ước đạt 7,54 triệu lượt khách, giảm 65%.

Trong 2 đợt bùng phát dịch đã có khoảng 90% số doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động; có 950/3.587 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động.

"Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 28,02 nghìn tỷ đồng (giảm 73% so với năm 2019, tương đương giảm 75,79 nghìn tỷ đồng)", Giám đốc Sở Du lịch cho biết.

Trên địa bàn Thành phố có 3.587 cơ sở lưu trú với tổng số 65.158 phòng, (trong đó có 77 cơ sở lưu trú cao cấp đạt tiêu chuẩn từ 3 sao - 5 sao), chiếm 11,9% trên tổng số cơ sở lưu trú và chiếm 10,02% tổng số phòng của cả nước. Số lượng cơ sở lưu trú tuy đứng đầu cả nước, song số lượng khách sạn cao cấp chiếm tỷ lệ còn thấp, hiện đứng thứ tư cả nước. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 sao - 5 sao năm 2020, ước đạt khoảng 29,9%, giảm 38% so với năm 2019.

3 kịch bản tăng trưởng năm 2021

Trong bối cảnh này, ngành Du lịch đã nỗ lực cao nhất để giảm thiểu tác động của dịch, kịp thời tham mưu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động triển khai Kế hoạch kích cầu du lịch nội địa; các doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, năng lực quản trị; mức giảm doanh thu lữ hành 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 của Hà Nội là 46,8%, thấp hơn mức bình quân của cả nước giảm ở mức 58,6%;

Tham mưu UBND Thành phố ký kết hợp tác kích cầu du lịch với các hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, VietjetAir, Bamboo Airways. Đã có 85 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển ôtô, đường sắt, hàng không; 21 khách sạn, cơ sở mua sắm; 10 khu, điểm du lịch hưởng ứng đăng ký tham gia chương trình liên minh kích cầu, hơn 346 tour kích cầu được triển khai, đạt kết quả tích cực.

Các sản phẩm du lịch được nâng cấp, xây dựng mới, tiêu biểu như: Tour tham quan di tích nhà tù Hỏa Lò về đêm (các tối thứ 6,7 và chủ nhật), các điểm tham quan tại Vườn quốc gia Ba Vì, làng cổ ở Đường Lâm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, làng nghề gốm sứ Bát Tràng...

Thông qua đó, hoạt động du lịch khởi sắc trong tháng 5, 6 và đầu tháng 7 sau dịch COVID-19 đợt 1; song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đợt 2 nên du lịch hầu như không có hoạt động trong thời điểm cuối tháng 7, cả tháng 8 và đầu tháng 9, các hoạt động kích cầu du lịch nội địa phải khởi động lại từ đầu trong bối cảnh nhu cầu du lịch trong cả nước đều sụt giảm trầm trọng, hệ thống doanh nghiệp du lịch rất khó khăn về tài chính, thị trường, nhân lực...

Ngành du lịch xây dựng 3 kịch bản phát triển du lịch Thủ đô trong năm 2021, với chỉ tiêu kế hoạch đón lượng khách nội địa đạt từ 50%-70% so với năm 2019, tương ứng đạt từ 10,96 triệu - 15,34 triệu lượt khách; khách quốc tế đạt từ 2,2 triệu - 3,7 triệu lượt khách. Tổng lượng khách du lịch sẽ đạt khoảng từ 13,16 triệu - 19,04 triệu lượt khách.

Trong đó, ngành du lịch kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng đón và phục vụ khách quốc tế khi điều kiện cho phép, đặt ra mục tiêu phấn đấu cao nhất về thu hút khách du lịch nội địa cho năm 2021 với mức 15,34 triệu lượt khách, bằng 70% so với năm 2019 và tăng 2 lần so với năm 2020. Các cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn mở cửa trở lại hoạt động bình thường. Công suất sử dụng phòng trung bình khối cơ sở lưu trú du lịch năm 2021 đạt trên 45%.

Gia Huy

Top