Quyết tâm đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

07/07/2020 10:10 AM

(Chinhphu.vn) – Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tập trung “đánh mạnh” nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, từng bước tạo sự lành mạnh cho thị trường, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.

Lực lượng QLTT thu giữ lượng hàng lậu. Ảnh: Diệu Anh

Hơn 4.850 vụ buôn lậu, gian lận thương mại được xử lý

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Thành phố chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra 5.479 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, qua đó xử lý 4.859 vụ; tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu hơn 298 tỷ đồng.

Lợi dụng diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi, một số đối tượng đã buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây bất ổn thị trường. Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, 6 tháng qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tập trung chỉ đạo tích cực công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, các loại hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là trong đợt dịch Covid-19.

Đặc biệt, hàng loạt vụ việc được lực lượng chức năng xử lý mới đây cho thấy các vi phạm trên môi trường kinh doanh online ngày càng phức tạp. Đơn cử như ngày 16/6 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp cùng Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368 - Bộ Công Thương) kiểm tra và thu giữ 10.987 sản phẩm là quần áo, mỹ phẩm... có dấu hiệu nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu tại huyện Thanh Oai. Cơ sở này hoạt động ẩn sâu trong khu dân cư và chỉ sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook có tên “Tổng kho Huyền Trang” để giao dịch.

Trước đó, ngày 8/6, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng phối hợp cùng Tổ 368 kiểm tra cơ sở kinh doanh giày dép tại ngõ 82 Trần Cung, quận Cầu Giấy, phát hiện chủ cơ sở sử dụng tài khoản mạng xã hội Zalo có tên “Giày” để kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cơ sở này bán trên tài khoản Zalo các mẫu giày nhái những thương hiệu lớn chỉ với giá vài trăm nghìn đồng/đôi.

Nói về thủ đoạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Hoàng Đại Nghĩa cho biết, các đối tượng thiết lập tài khoản trên Facebook, Zalo… tạo sự tương tác rồi sử dụng hình thức phát trực tiếp (livestream) để bán hàng. Phương thức kinh doanh này dễ dàng “qua mắt” cơ quan chức năng bởi thực hiện trên không gian mạng, có thể ẩn giấu hay xóa dấu vết.

Tính đến hết tháng 6/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 685 vụ; xử lý 479 vụ; phạt hành chính 4,087 triệu đồng. Trị giá hàng tịch thu, hàng buộc tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng 5,7 tỷ đồng.

Ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu

Để công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong thời gian tới tốt hơn, các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội. Chủ động, kịp thời ban hành các văn bản, kế hoạch để chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), ga đường sắt Yên Viên, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài... các mặt hàng trọng điểm như: Rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống…

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; một mặt thông tin về kết quả hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng trong BCĐ 389 Thành phố.  Mặt khác, thông qua các vụ việc xử lý để cảnh báo cho người dân các phương thức làm ăn phi pháp, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của Nhân dân, gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, phối hợp tốt với lực lượng chức năng các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai… bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ.

Diệu Anh

Top