Siêu thị chủ động tìm nhà cung cấp thực phẩm thay thế

02/08/2021 6:49 PM

(Chinhphu.vn) - Những ngày gần đây, trên địa bàn TP. Hà Nội đã phát hiện những ca nhiễm COVID-19 tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, nhà cung ứng thực phẩm cho siêu thị. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục siết chặt quản lý phòng, chống dịch COVID-19, hiện các siêu thị cũng chủ động tìm nhà cung ứng thực phẩm thay thế, bảo đảm đủ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Siêu thị chủ động tìm nhà cung cấp thực phẩm thay thế. Ảnh: Thùy Linh

Gần đây, nhiều khu chợ trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện ca nhiễm COVID-19 như tại chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ Phùng Khoang (phường Văn Quán, quận Nam Từ Liêm), chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch)...Nguy cơ dịch COVID-19 không chỉ tấn công vào các chợ truyền thống mà tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng đang hiện hữu. Điển hình như sáng nay (2/8), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đã ra thông báo tìm người đến Công ty thực phẩm Thanh Nga từ ngày 14/7/2021 đến 1/8/2021. Đáng chú ý, Công ty Thanh Nga (địa chỉ 82/651 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng) là nhà cung cấp thịt cho một số siêu thị, cửa hàng tiện ích tại khu vực Hà Nội.

Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ VinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị VinMart) cho biết, ngay khi nhận được thông tin xác định các ca F0 liên quan đến Công ty Thanh Nga, VinCommerce đã dừng nhận hàng từ nhà cung cấp này. Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội từ đêm 1/8 và sáng nay, liên quan đến danh sách các nhân viên công ty giao hàng cho các siêu thị Vinmart và cửa hàng Vinmart tại Hà Nội, theo đại diện VinCommerce, hiện tại, siêu thị đang tuân thủ theo hướng dẫn của Tập đoàn Masan và tích cực phối hợp cùng cơ quan chức năng để khoanh vùng, truy vết, thực hiện tất cả các biện pháp phòng dịch.

Cũng theo đại diện VinCommerce, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về danh sách hàng trăm siêu thị, cửa hàng thuộc VinCommerce có tiếp xúc F0 của nhà cung cấp Thanh Nga và nguy cơ lây nhiễm không phải là thông tin chính thống từ VinCommerce cũng như các cơ quan chức năng công bố. Điều này gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

VinCommerce cho biết thêm, trong ngày hôm nay (2/8) đã có thông tin chính thức từ VinCommerce và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, công ty sẽ cập nhật trên trang Fanpage để người tiêu dùng yêu tâm mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm.

Đại diện cho Công ty TNHH Bán lẻ BRG, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc BRG cho biết, Thanh Nga là một trong nhiều nhà cung cấp thịt cho bên BRG cũng như nhiều siêu thị khác. Việc Thanh Nga có ca dương tính với COVID-19 và tạm thời dừng hoạt động nên các siêu thị khác sẽ dồn vào các nhà cung cấp khác như: Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH thực phẩm Minh Hằng, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam… Do đó, phía doanh nghiệp như BRG cũng đang tìm các nhà cung cấp khác để bổ sung vào lượng hàng bị thiếu hụt.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Thái Dũng cho hay, từ trước đến giờ các hệ thống siêu thị đã triển khai giao hàng giãn cách. Nhân viên nhận hàng và nhân viên giao hàng thực hiện 5K, đeo khẩu trang, găng tay, xịt khuẩn. Giữ khoảng cách 2m, để hàng, hóa đơn vào khu giao hàng rồi ra về. Ở phía bên nhận, nhân viên nhận hàng xịt khuẩn, kiểm đếm rồi xác nhận lại qua điện thoại hoặc tin nhắn zalo với bên giao hàng. Tại siêu thị, thực hiện 5K, thì cũng thực hiện giãn cách, bố trí vách ngăn, đo nhiệt độ, sát khuẩn,…

Cũng theo ông Nguyễn Thái Dũng, Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3638/QĐ- BYT ngày 30/7/2021 về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19” thay thế cho quyết định được ban hành trước đó vào tháng 8/2020. Theo đó, hướng dẫn rất rõ về việc xác định F0, F1, F2 và phòng chống với từng tình huống như thế nào. Về phía doanh nghiệp cũng đang cập nhật từng phương án theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Quy định cũng nêu rõ trước bao nhiêu ngày kể từ ngày khởi phát của người bệnh, siêu thị bên cạnh việc triển khai sát khuẩn cũng như xác định nhân viên nào tiếp xúc gần (quy định cũng ghi rất rõ) để hành động cụ thể cho từng trường hợp.

Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa. Sở đã có văn bản hướng dẫn các chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm triển khai các giải pháp phong tỏa, xử lý khi gặp tình huống phải tạm đóng cửa do có ca lây nhiễm COVID-19, nhanh chóng bảo đảm an toàn để có thể hoạt động sớm trở lại. Chính quyền các địa phương tổ chức phân luồng, bố trí để người dân có nơi mua thực phẩm thiết yếu. Như tại khu vực chợ Phùng Khoang, sau khi phải đóng cửa vào tối 31/7 do có ca F0 đến bán hàng tại đây, UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đã thông báo cho tất cả người dân trên địa bàn của phường đi mua thực phẩm thiết yếu tại chợ dân sinh Trung văn thuộc Tổ dân phố 18 và chợ dân sinh tại Trung tâm thương mại Trung Văn thuộc tổ dân phố 21.

Thùy Linh

Top