Sơn mài Hạ Thái nỗ lực để tiếp cận thị trường

19/05/2016 4:07 PM

(Chinhphu.vn) - Trải qua nhiều biến động nhưng những người thợ làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín đã nhanh nhạy phát triển bằng cách liên kết với nhiều làng nghề để tìm thị trường, sáng tạo ra các sản phẩm mới để thu hút thị trường.

Sản phẩm sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội - Ảnh Lam Giang

Tự hào với nghề truyền thống

Nghề sơn mài đã xuất hiện từ lâu đời và có mặt nhiều nơi tại Việt Nam. Ngay địa bàn Hà Nội ngoài Hạ Thái còn có sơn mài Đông Mỹ ở huyện Thanh Trì, sơn mài Ngọ Hạ và Lỗ Khê ở huyện Phú Xuyên hay sơn mài Đình Bảng ở Bắc Ninh… Riêng làng nghề Hạ Thái đã có gần 200 năm tuổi đời, qua nhiều thế hệ nghệ nhân đã tạo ra nhiều tác phẩm, sản phẩm mang trong đó nhiềm tự hào của mỗi nghệ nhân.

Với lịch sử phát triển, nghề sơn mài tại Việt Nam có phương thức chế tác riêng biệt với nhiều kỹ thuật độc đáo, luôn dùng chất liệu quý như vàng, bạc, son, ngà kết hợp với những lớp sơn rồi mài bóng đem lại vẻ đẹp âm thầm cổ kính của các di tích đền chùa, cung, miếu xa xưa cho đến đồ mỹ nghệ trang trí, gia dụng của ngày hôm nay.

Nghề sơn mài đã đóng góp rất nhiều cho đời sống kinh tế, văn hóa, mỹ thuật, tâm linh của người Việt trong suốt hành trình lịch sử của dân tộc.

Ông Nguyễn Đình Bản, Trưởng khoa Mỹ nghệ trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội cho biết, Việt Nam có vùng nguyên liệu cây sơn phong phú tại Phú Thọ, cây sơn của vùng là giống cây quý bởi là giống sơn quý bậc nhất ở châu Á. Các sản phẩm vật liệu sơn mài, là sản phẩm có độ bền, độ đẹp và độ bóng cao vừa để trang trí vừa để làm đồ thờ tự trong đình chùa và cả đồ dùng hàng ngày như bát đĩa, đũa mâm đều có thể dùng chất liệu này. Qua các thế hệ, các nghệ sỹ đã sáng tạo ra các sản phẩm ngày càng phong phú, đưa chất liệu sơn mài là chất liệu quan trọng trong tạo hình hay trong xuất khẩu.

Một trong những bước phát triển của nghề là ứng dụng vào mỹ thuật tạo hình. Ông Nguyễn Đình Bản cho biết, với chỉ riêng 1 bức tranh sơn mài, các nghệ nhân vẽ nhiều lớp màu sơn lên mặt tranh, để sơn khô trong độ ẩm cao rồi lại dùng đá mài mặt vẽ trong nước để tạo lớp không gian và lớp sắc độ của màu, hình. Sau đó, mài thật phẳng, đánh bóng thật kỹ mặt tranh để tạo hiệu ứng thị giác như ngâm trong nước.

Việc lấy kinh nghiệm làm nghề sơn cổ truyền ứng dụng vào mỹ thuật tạo hình được bắt đầu từ Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Các họa sỹ đã kết hợp với một số nghệ nhân của nghề sơn tìm tòi nghiên cứu để sáng tạo ra loại sơn nhựa (sơn pha nhựa thông) là loại sơn có thể mài được trong nước, ứng dụng vào sáng tác mỹ thuật. Thành công vang dội của tranh sơn mài mỹ thuật đã mở ra một chân trời mới cho nghề sơn mài cổ truyền ở nước ta. Nhiều thế hệ họa sỹ đã dùng tranh sơn mài để khẳng định bản sắc hội họa, đóng góp nhiều sáng tạo cho nghề sơn mài.

Ông Nguyễn Đình Bản cho biết, phương châm đào tạo nghề của Trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội là đào tạo những người thợ cung cấp cho các làng nghề; đào tạo là bảo tồn công nghệ kỹ thuật và chất liệu truyền thống, đào tạo bài bản theo cách bảo tồn nguyên vẹn giá trị chất liệu sơn mài truyền thống.

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Những sản phẩm ban đầu của sơn mài Hạ Thái là sơn son thếp vàng các đồ dùng, vật dụng dùng để cung tiến. Sau này, để phát triển, các nghệ nhân làng nghề đã học hỏi thêm kinh nghiệm, trong đó có việc phối hợp với các họa sỹ của trường Mỹ thuật Đông Dương phát hiện thêm các vật liệu mới từ tre, song, mây, gốm sứ, vỏ trứng, ốc… vào các sản phẩm tranh sơn mài.

Các bức tranh sơn mài sau đó ngoài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính thì còn được thêm vào các vật liệu mới khiến sản phẩm ngày một đa dạng, giúp nghề truyền thống sơn mài ở làng Hạ Thái ngày càng phát triển. Ngoài ra, Hạ Thái còn sản xuất những mặt hàng gia dụng mang tính ứng dụng cao như khay, lọ, album, bàn ghế…

Theo ông Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hội sơn mài Hạ Thái, thời kỳ hưng thịnh của sơn mài Hạ Thái vào vào khoảng những năm 1995 - 2007, sản phẩm sơn mài của Hạ Thái chiếm tới 70% hàng xuất khẩu, giải quyết được công ăn việc làm cho người dân trong làng và cả các địa phương khác, đem lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, do chủ yếu sản phẩm làm ra để xuất khẩu nên từ năm 2008, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến đầu ra của sản phẩm làng sơn mài Hạ Thái.

Thời điểm sản phẩm không tìm được thị trường, sức tiêu thụ giảm mạnh, nhất khi thị trường gặp khó khăn thì người làm nghề gặp khó khăn vạn phần. Nhiều gia đình làm nghề sơn mài theo kiểu truyền thống cha truyền con nối gặp khó khăn đã bỏ nghề hoặc cho thuê nhà xưởng, chuyển mặt bằng sản xuất sang các ngành nghề khác để tìm kế sinh nhai.

Theo ông Đỗ Hùng Chiêu, trong khó khăn, những người thợ, chủ doanh nghiệp đã phải tự bươn chải và hết sức nỗ lực tìm khách hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm của làng nghề. Kết nối giữa các làng nghề sơn mài, giữa doanh nghiệp và Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái đã được hình thành để tìm ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, những sản phẩm mang tính ứng dụng, thiết thực phục vụ đời sống, phục vụ thị hiếu mới của người tiêu dùng.

Từ liên kết này, các doanh nghiệp đã giúp sơn mài Hạ Thái vươn ra xa hơn ở thị trường trong nước và quốc tế thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Nga , Mỹ, Tây Ban Nha… giúp sản phẩm làng nghề phát triển bền vững hơn.

Hiện nay, ngoài những mặt hàng truyền thống tranh sơn mài, hoành phi hay câu đối…, sơn mài Hạ Thái đã sản xuất nhiều mặt hàng mang tính ứng dụng cao đáp ứng nhu cầu của khách hàng như: Bàn ghế, giường, tủ, bát, đĩa, lọ hoa, khay đựng đồ.

Một trong những hướng đi để giảm giá thành, không để giá quá cao nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, theo ông Đỗ Hùng Chiêu đó là cách làm “sơn mài mới”, một vài gia đình nhập sơn công nghiệp thay cho nguyên liệu truyền thống là sơn ta. Tuy dùng sơn công nghiệp, hoặc sơn hạt điều, nhưng quy trình sản xuất vẫn được giữ như cách làm với sơn ta. Đây là một cách để giải bài toán kinh tế của hộ số hộ trong làng nghề nhằm giảm chi phí bởi nếu chỉ dùng sơn ta, giá sản phẩm rất cao không đáp ứng yêu cầu thị trường.

Lam Giang

Top