Tăng cường liên kết, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm

20/01/2021 2:26 PM

(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp cuối năm trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngoài việc liên kết với các tỉnh thành phía Bắc, Hà Nội còn tăng cường công tác kiểm tra để bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Hà Nội đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Thiện Tâm.

Năm 2020, kinh tế của cả nước nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng diễn ra trong bối cảnh khó khăn do bùng phát dịch COVID-19, dịch cúm gia cầm H5N6, dịch tả lợn châu Phi… Trước tình hình đó, việc vận chuyển, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc ở các tỉnh về Hà Nội và từ Hà Nội đi đến các tỉnh để tiêu thụ diễn biến phức tạp, khó lường. Để khắc phục tình trạng nêu trên, Sở NN&PTNT Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng thanh tra liên ngành nông nghiệp. Với mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra chuyên ngành đối với chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin kiểm tra phát hiện xử lý các vi phạm về chất lượng giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Trong năm 2020, lực lượng thanh tra chuyên ngành của Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 541 cuộc, phát hiện 1.852 tổ chức, cá nhân do có sai phạm về chất lượng hàng hóa, vi phạm nhãn mác, không đảm bao các quy định về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 11.408 tỷ đồng. Ngoài ra, còn xử lý hình sự 10 vụ việc, tịch thu tang vật trên 2 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm do ngành y tế quản lý, thời gian qua, với điểm nhấn từ những mô hình hay, cách làm hiệu quả về bảo đảm an toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã đã góp phần đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố dần đi vào quỹ đạo, thực sự hướng đến mục tiêu “xây” thực phẩm sạch để chống thực phẩm bẩn. Đến nay, theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, nhìn chung, tại các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát đều có sự chuyển biến tích cực cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng. Đặc biệt, từ khi được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, diện mạo của những tuyến phố đã thay đổi rõ rệt, các nhà hàng ăn uống đều khang trang, lịch sự, có chuyển biến tích cực trong quản lý.

Thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19, vừa duy trì, phát triển mở rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát cần ý thức, trách nhiệm của cả 3 bên, đó là cơ quan quản lý, hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Trong đó, các cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Cán bộ y tế ngoài việc nắm chắc quy định, phải kiên trì, có kỹ năng tư vấn, hướng dẫn thuyết phục chủ cơ sở cải tạo, sửa chữa bố trí nơi chế biến đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và phù hợp với không gian cơ sở. Còn với người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở được cấp giấy chứng nhận, được gắn biển kiểm soát an toàn thực phẩm.

Điển hình như quận Thanh Xuân, để duy trì, nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát trong thời điểm dịch COVID-19, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục rà soát, thống kê quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Bên cạnh đó cũng yêu cầu các cơ sở thường xuyên thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí an toàn thực phẩm, thu gom rác thải ngay để tạo sự thay đổi rõ nét bảo đảm an toàn thực phẩm, mỹ quan và vệ sinh môi trường sạch đẹp. Đặc biệt, quận yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhân viên chế biến thực phẩm phải tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ, mang trang phục bảo hộ theo quy định, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với thực phẩm, bố trí nước sát khuẩn tay nhanh ở nơi chế biến và nơi ăn của khách hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn khu vực bếp. Chính quyền địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, quận cũng tập trung kiểm tra đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và sẽ xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Đối với quận Long Biên, với tinh thần không lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch COVID-19, thời gian tới, quận Long Biên tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và thành phố về các giải pháp phòng chống dịch. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyên toàn dân tham gia phòng chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm, quận cũng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Mặt khác, quận sẽ chú trọng đầu tư nguồn lực nhằm duy trì, nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát trên địa bàn hiệu quả hơn.

Thiện Tâm

Top