Tăng đà phát triển chăn nuôi trong thời kỳ dịch bệnh

14/01/2021 4:26 PM

(Chinhphu.vn) - Trong năm qua công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi nhưng đã vững bước vượt qua và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tiêm vaccine đầy đủ là một trong những biện pháp phòng chống dịch và bảo đảm chăn nuôi hiệu quả. Ảnh: Thiện Tâm.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, nhìn lại công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh tại Hà Nội trong năm qua có quá nhiều bối cảnh khó khăn, bất lợi. Đó là ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi năm 2019 tác động trực tiếp đến tốc độ tăng đàn, tái đàn lợn năm 2020. Tiếp đó là dịch COVID- 19 ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Luật Chăn nuôi có hiệu lực, với Hà Nội đã ban hành Nghị quyết quy định vùng không được phép chăn nuôi. Cộng với đó là bệnh mới xuất hiện “Viêm da nổi cục” đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành trong đó có Hà Nội cùng với thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là các bệnh truyền nhiễm lây giữa người và gia súc gia cầm.

Tuy nhiên được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của các cấp các ngành, sự cố gắng nỗ lực của hệ thống Thú y đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Năm 2020 ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay với 4,2 % trong đó có đóng góp lớn của ngành chăn nuôi. Đặc biệt với chăn nuôi gia cầm đạt 39,5 triệu con đứng đầu cả nước, đàn lợn đã đạt 1,4 triệu con (khoảng 74 % so với thời điểm trước khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi). Riêng đàn lợn nái đến nay đạt 160 nghìn còn (khoảng 95 % so với thời điểm trước khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi).

Về tình hình dịch bệnh, cơ bản Hà Nội đã khống chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, Tai xanh, bệnh Dại... Trong đó đã triển khai Luật Chăn nuôi và tham mưu để HĐND Thành phố ban hành quy định về các vùng không được phép chăn nuôi, ban hành quyết định phê duyệt “Mạng lưới giết mổ” với tổng số 29 cơ sở. Từ đây sẽ mở ra hướng đi mới thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho công tác kiểm soát giết mổ để bảo đảm an toàn thực phẩm. Tập trung xây dựng dược 4 vùng an toàn bệnh Dại tại 4 quận (Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình).

Về Quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đến nay tỷ lệ thụ tinh nhân tạo bò sữa đã đạt 100 %, bò thịt trên 80 %. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ tinh lợn cho hộ chăn nuôi. Chất lượng giống được cải thiện đáng kể, nhiều giống mới được đưa vào sản xuất có chất lượng cao.  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Việc tăng đàn, tái đàn lợn năm 2020 tiến độ chậm (mới đạt khoảng trên 70 % so với thời điểm trước khi có dịch). Chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng tỷ lệ còn cao (gần 60 %) nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh là rất cao. Số cơ sở giết mổ còn nhiều nên khó kiểm soát. 

Vì vậy, trong năm 2021 và những năm tới, dự báo công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn, khó lường đó là thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp trực tiếp ảnh hưởng đến dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, nhất là các bệnh nguy hiểm. Vì vậy, Hà Nội định hướng phát triển chăn nuôi của Thành phố, phát triển đàn bò khoảng 145 nghìn con; phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 13 nghìn tấn; sản lượng sữa tươi đạt khoảng 50 nghìn tấn. Nâng cao chất lượng con giống.

Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất con giống, chú trọng phát triển đàn nái ngoại và nái thuần chiếm trên 80% vào năm 2021. Phát triển 5% đàn lợn nái các giống lợn bản địa. Chăn nuôi gia cầm, giữ ổn định 40 triệu con trở lên, trong đó 28 triệu con gà; 10 triệu con vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác. 

Đồng thời đẩy mạnh áp dụng các biện pháp nuôi thâm canh tập trung, tăng số lứa gia cầm xuất chuồng. Tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; lưu giữ và phát triển các giống gà mía, gà ri, giống vịt cỏ Vân Đình.

Phối hợp có hiệu quả hơn với các ngành, đơn vị liên quan trong các hoạt động chuyên môn nhất là lĩnh vực thanh tra, kiểm tra các đối tượng quản lý. Nâng cao năng lực cho cán bộ trong hệ thống ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tuyên truyền sâu rộng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền khác để cộng đồng dân cư, người chăn nuôi nhận thức và chấp hành đúng các Luật Chăn nuôi, Thú y, an toàn thực phẩm. 

Nghiên cứu xây dựng các chương trình, dự án chuyên ngành để trình UBND thành phố và thu hút các tổ chức trong nước, nước ngoài thực hiện góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Tham mưu xây dựng một số chính sách đặc thù để triển khai có hiệu quả về giống, thức ăn chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh.

Thiện Tâm

 

Top