Tập trung các nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội và phòng, chống dịch

13/04/2020 6:14 PM

(Chinhphu.vn) - Để hỗ trợ cho các đối tượng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND triển khai thực hiện nghiêm túc 07 nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 bằng 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, Hà Nội đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH 02 tháng liên tiếp đến tận nhà cho người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thành phố đang rà soát các đối tượng được hưởng chế độ với tổng số kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Thành phố đã xây dựng 05 nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội trình HĐND thông qua để thực hiện, gồm việc hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp khi trả kết quả thay đổi đăng ký kinh doanh trên địa bàn (20.000 đồng/doanh nghiệp); hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sau khi đã thực hiện các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi.; bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 so với nội dung quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP.

Hà Nội cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực; các quận, huyện, thị xã khẩn trương tiến hành rà soát, lên danh sách các trường hợp được hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh đảm bảo chính xác, đúng đối tượng.

Đến nay, Thành phố đã phê duyệt 1.286 tỷ đồng cho hoạt động phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Để phục vụ hậu cần cho công tác xét nghiệm, hiện nay Thành phố Hà Nội đã mua bổ sung thêm 105 chiếc, bổ sung kinh phí đợt 2 để mua 37 chiếc. (Trước khi có dịch COVID-19, toàn ngành có 236 máy thở; hiện nay đã mua bổ sung thêm 105 chiếc (tổng 341 máy), bổ sung kinh phí đợt 2 để mua 37 chiếc, nâng tổng số máy thở lên 378 chiếc).

Máy Reatime PCR hiện có 8 chiếc; test nhanh, tổng số nhận 14.000 test, đã sử dụng 11.002 test (2.998 test còn lại: tồn tại Trung tâm KSBT, các bệnh viện và trung tâm y tế).

Về trang thiết bị phun khử khuẩn, toàn Thành phố có 162 máy phun tồn lưu và 754 bình phun tay; Hà Nội cũng đã tổ chức mua 304.140 bộ quần áo bảo hộ (trong đó có 252.000 bộ xanh, 52.140 bộ màu trắng), đang triển khai mua bổ sung 776.600 bộ.

Tập đoàn Vingroup có văn bản tặng 105.000 test nhanh xét nghiệm COVID-19, tập đoàn SK - Hàn Quốc có văn bản tặng 10.000 test nhanh. Doanh nghiệp Foomart tặng Bộ Tư lệnh Thủ đô 3.000 chiếc kính che mặt phòng dịch. Công ty WatchWater (Đức) tặng 500 kg hóa chất khử khuẩn.

Tại cuộc họp cuối tuần trước, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã chỉ đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khẩn trương mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và tổ chức phân bổ về các đơn vị.

 Minh Anh

Top