Thanh Oai và bài toán tìm nguồn nước sạch

06/11/2015 5:03 PM

(Chinhphu.vn) - Là một huyện phía Nam thành phố Hà Nội, nguồn nước sinh hoạt của huyện Thanh Oai phải chịu tác động lớn từ tình trạng ô nhiễm của lưu vực sông Nhuệ, khiến cho sức khỏe của người dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Sau khi được xã hội hóa, Trạm cấp nước sạch thôn Cự Đà ( xã Cự Khê) cung cấp nước sạch cho 300 hộ dân trong thôn sử dụng. Ảnh: Tú Mai

Theo thống kê từ Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), tính tới cuối tháng 3 năm 2015, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch trên địa bàn mới đạt 33,78%, trong đó tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh là 92,72%. Tính đến hết năm năm 2014, tỷ lệ dân số nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt gần 33,8%. Nếu so với bình quân chung của cả nước, chỉ tiêu này còn thấp. (Tính đến tháng 7/2014, cả nước có 84% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 42% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế).

Qua khảo sát các hệ thống lọc nước sạch của người dân tại thôn Thạch Nham ( xã Mỹ Hưng), chị Nguyễn Thị Bình (một người dân trong thôn ) cho biết, hai năm về trước, gia đình chị vẫn sử dụng nước giếng khoan, nhưng do nằm ven sông Thạch Nham (một nhánh của sông Nhuệ) nên nguồn nước không đảm bảo (nước có màu hơi vàng và mùi tanh - dấu hiệu chứa các kim loại nặng).

Gia đình chị Bình là một hộ nghèo nên không đủ tiền để mua máy lọc nước, chỉ có một số gia đình khá giả mới có thể đầu tư hàng triệu đồng để mua máy lọc nước. Nhưng cũng bắt đầu từ năm 2013, UBND huyện Thanh Oai đã phối hợp với Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn (Sở NN&PTNT) tổ chức khảo sát, lắp đặt miễn phí hệ thống lọc nước sạch cho 2,5 nghìn hộ nghèo, chính sách trên địa bàn huyện. Vì vậy, gia đình chị Bình cùng 280 hộ khác thuộc thôn Thạch Nham đã có nước sạch sử dụng.

Trong huyện Thanh Oai, còn có thôn Cự Đà (xã Cự Khê) cũng là một địa phương chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, nhưng mới đây, 300 hộ dân trong thôn đã được cung cấp nước sạch. Đó là nhờ Trạm cấp nước sạch thôn Cự Đà được thành phố xã hội hóa đầu tư, nâng cấp, đưa vào vận hành. Nhưng những hộ dân thuộc 2 thôn nêu trên cũng chỉ nằm trong tổng số 30% ít ỏi người dân trên toàn huyện đang được sử dụng nước sạch. Thực tế, theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, 70% số hộ còn lại đang phải sử dụng nước giếng khoan, nước mưa cho các mục đích sinh hoạt. Và nguồn nước này không đảm bảo do bị ô nhiễm nặng các hợp chất như: asen, sắt, amoni… , ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của đông đảo người dân địa phương.  

Được biết, trong nhiều năm qua, vấn đề nước sạch luôn được huyện Thanh Oai coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 3 trạm cấp nước sạch được xã hội hóa, đi vào hoạt động, cung cấp nước sạch cho các xã Cự Khê, Xuân Dương và thị trấn Kim Bài. Bên cạnh đó, do huyện cũng thực hiện chương trình cấp nước sông Đà tại hai xã Bích Hòa, Cao Viên, đến nay, đã có 2.196 hộ ở xã Bích Hòa được sử dụng nước sạch, bằng 80% số hộ toàn xã. Tại xã Cao Viên, hệ thống đường ống cũng đã được hoàn tất, dự kiến cấp nước trong quý I/2016.

Theo bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, từ 2013 – 2015, Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn hỗ trợ lắp đặt 2.500 thiết bị lọc nước cho các hộ nghèo và gia đình chính sách. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa, cách thức của việc sử dụng nước sạch. Nhờ vậy, người dân địa phương đã chủ động hơn trong tiếp cận với các nguồn nước hợp vệ sinh. Nhưng tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước sạch còn thấp so với mặt bằng chung toàn TP (hiện là 34,5%).

Để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trên địa bàn huyện Thanh Oai, theo bà Lê Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, Sở NN&PTNT cần đẩy nhanh tiến độ các dự án dang dở gồm: Trạm cấp nước sạch liên xã Đỗ Động – Kim An – Kim Thư – Phương Trung (ngân sách của TP) và dự án Tam Hưng – Thanh Thùy (vốn vay từ Ngân hàng Thế giới). Bên cạnh đó, TP quan tâm, xem xét đề xuất cho phép mở rộng Trạm cấp nước sạch xã Cự Khê. Vì đây là những dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ góp phần mang nước sạch đến với hàng vạn cư dân trên địa bàn huyện. 

Box: Tính đến cuối năm 2014 đã có 84,5% người dân nông thôn Việt Nam được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 28% so với năm 1999 khi bắt đầu thực hiện chương trình. Ước tính đến hết năm nay, số dân nông thôn được được sử dụng nước hợp vệ sinh sẽ đạt 85%, trong đó 45% sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam và khoảng 65% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Tú Mai

Top