Thêm 5 địa danh được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể

03/05/2021 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - UBND thành phố Hà Nội vừa có các quyết định cho phép các đơn vị sử dụng địa danh địa phương để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Cụ thể, tại Quyết định số 1936/QĐ-UBND, UBND Thành phố cho phép Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt sử dụng địa danh “Đông Cao” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Đông Cao” cho sản phẩm rau ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.

Tại Quyết định số 1937/QĐ-UBND, UBND Thành phố cho phép Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao sử dụng địa danh “Đông Cao” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Đông Cao” cho sản phẩm bưởi đỏ ở huyện Mê Linh.

Tại Quyết định số 1938/QĐ-UBND, UBND Thành phố cho phép Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải sử dụng địa danh “Hương Ngải” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Khoai tây Hương Ngải” cho sản phẩm khoai tây ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất.

Tại Quyết định số 1939/QĐ-UBND, UBND Thành phố cho phép Hợp tác xã Nông nghiệp xã Đỗ Động sử dụng địa danh “Đỗ Động” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Gạo Đỗ Động” cho sản phẩm gạo ở xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai.

Tại Quyết định số 1940/QĐ-UBND, UBND Thành phố cho phép Hợp tác xã Giò chả Ước Lễ sử dụng địa danh “Ước Lễ” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Giò chả Ước Lễ” cho sản phẩm giò chả, nem chua, bánh chưng, bánh dày, bánh cuốn ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai.

Các đơn vị được phép sử dụng địa danh địa phương nêu trên có trách nhiệm xây dựng bộ công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể: Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể; tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; quy định sử dụng tem nhãn. Các đơn vị tổ chức quản lý việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy chế, quy định, quy trình do đơn vị ban hành.

Trường hợp 5 địa danh tại các quyết định nêu trên bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung của tập thể đơn vị, UBND Thành phố có quyết định thu hồi quyền sử dụng địa danh đã cho phép.

 

Top