Thị trường hàng hóa sau Tết: Nguồn cung dồi dào, giá ổn định

12/02/2019 2:42 PM

(Chinhphu.vn) - Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trên địa bàn Thành phố, thị trường hàng hoá, nhất là thực phẩm, rau xanh không xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá như những năm trước. Tại các chợ, siêu thị, nguồn cung hàng hoá tương đối dồi dào, giá cả ổn định.

Người dân mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Diệu Anh

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày mùng 7, mùng 8 Tết, tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Hôm, Thành Công, Kim Liên, Châu Long... hàng hóa khá phong phú, giá cả khá ổn định. Cụ thể, thị chân giò: 100.000 đồng/kg, thịt lợn thăn 120.000 đồng/kg, sườn: 130.000 đồng/kg, thịt nạc vai: 100.000 -110.000 đồng/kg. Tương tự, thịt bò thăn có giá 300.000-320.000 đồng/kg trong khi ngày thường là 250.000-270.000 đồng/kg; bắp bò 350.000 đồng/kg so với mức 280.000 -290.000 đồng/kg trước Tết...

Các mặt hàng thủy, hải sản đã hạ giá đáng kể, ngày mùng 3-4 Tết, giá tôm sú loại to 650.000 đồng/kg, hiện đến mùng 7, mùng 8 Tết, còn 550.000 đồng/kg, cá trắm 70.000-80.000 đồng/kg, cá chép: 70.000-75.000 đồng/kg, trong khi vào thời điểm mùng 4-5 Tết giá bán dao động từ 85.000-110.000 đồng/kg.

Riêng mặt hàng rau củ, quả thời tiết thuận lợi, nguồn cung các loại dồi dào nên giá cả nhìn chung ít biến động, giá một số loại rau gia vị, rau trái mùa tăng nhẹ. Mặt khác, giá một số loại rau vụ  đông (su hào, cà chua, súp-lơ, cải bắp...), giá một số loại rau gia vị nguồn cung dồi dào nên giá chỉ tăng nhẹ so với trước Tết và thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 10-20%. Đối với một số loại trái cây tiêu dùng nhiều trong dịp Tết hầu hết có giá tương đương so với Tết năm trước, một số loại giá thấp hơn khoảng 5-8% như bưởi diễn, cam canh...

Mặc dù các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị Qmart, Tmart, Vinmart , Hapro... đã mở cửa bán hàng từ mùng 4 tháng Giêng nhưng mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn khan hiếm. Đại diện hệ thống siêu thị Vinmart cho biết, một vài ngày tới khi nguồn cung bảo đảm thì thực phẩm tươi sống sẽ được bày bán như bình thường.

Lý giải về việc sau Tết hàng hóa ít biến động, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Chương trình Bình ổn giá của Thành phố đã góp phần ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, qua đó giúp thị trường Hà Nội trước, trong và sau những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi không có biến động lớn.

Còn theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đủ đáp ứng nhu cầu nên giá các loại hàng hóa trên thị trường trước và sau Tết khá ổn định. Cụ thể, trong dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM... sức mua các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10-12% so với Tết Mậu Tuất.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã dự trữ một lượng hàng hóa lớn, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm Tết, các chương trình giảm giá, khuyến mại, bình ổn thị trường... đã được các doanh nghiệp xúc tiến rộng rãi nên giá cả ổn định. Một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài không nghỉ Tết đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.

Nhìn chung, so với thời điểm trước và trong tết, những ngày sau tết, giá cả các mặt hàng ổn định. Trong những ngày tới, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn Thành phố tiếp tục trở lại buôn bán đầy đủ hơn, cùng với lượng cung dồi dào, giá các mặt hàng thực phẩm có thể tiếp tục giảm. Đây là tín hiệu vui của thị trường và tin vui cho người tiêu dùng vì không phải phập phồng lo lắng về việc giá cả “leo thang” và một khi đã tăng thì khó giảm như thời gian trước đây.

Diệu Anh

Top