Thu hẹp phong tỏa, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân

16/09/2021 8:13 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội mong muốn nới lỏng các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải cơ bản, thống nhất, đồng bộ trên toàn địa bàn Thành phố. Sau 21/9, Thành phố sẽ không triển khai theo 3 vùng, việc phong tỏa sẽ thực hiện theo quy mô nhỏ nhất, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất.

Thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết tại giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chiều 16/9.

Họp trực tuyến Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT vào công tác phòng, chống dịch

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, đối với công tác xét nghiệm, Hà Nội đã lấy được hơn 4,1 triệu mẫu xét nghiệm, phát hiện 23 ca dương tính. Đến nay, tổng số vaccine của TP. Hà Nội được phân bổ là hơn 5,3 triệu liều. Tính đến 15h ngày 16/9, toàn Thành phố tiêm được thêm hơn 110.000 mũi vaccine. Cộng dồn đến nay, Thành phố đã tiêm được hơn 5,4 triệu liều, đạt 101% tổng số vaccine được cấp. Trong đó có hơn 4,9 triệu mũi 1; hơn 552.000 mũi 2, chiếm 80,72% người trong độ tuổi được tiêm chủng.

Liên quan tới  Văn bản số 3084/UBND-KGVX ngày 15/9 của UBND Thành phố về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn vừa được ban hành hôm qua, Phó Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hồng Ky nêu, việc Thành phố nới lỏng giãn cách từ ngày 16/9 theo phân định tại các vùng 1, vùng 2, vùng 3 để kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, song cũng đặt cho lực lượng Công an thành phố một số khó khăn trong cơ chế kiểm soát lượng người và phương tiện ra đường. Vì thế, Công an Thành phố kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xác định rõ diện đối tượng người, phương tiện được phép ra đường; cơ chế kiểm soát của từng vùng và liên vùng như thế nào cho hiệu quả.

Cùng với đó, Công an Thành phố tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch.

Đối với việc cho phép một số địa bàn mở lại một số hoạt động dịch vụ, kinh doanh, Sở Y tế đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh được phép hoạt động.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm đề nghị đối với 19 quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố) được hoạt động một số cơ sở kinh doanh, chỉ  đạo lực lượng công an và đoàn thanh niên tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh trên địa bàn mình tạo mã QR tại điểm kinh doanh, khi khách đến mua hàng phải yêu cầu quét mã QR để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất

Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền biểu dương các ngành, các địa phương đã triển khai thực hiện thần tốc việc xét nghiệm, tiêm chủng; đón tiếp chu đáo và phối hợp với các cơ quan, cơ sở y tế tỉnh, thành về hỗ trợ Hà Nội. Đến nay, công tác xét nghiệm và tiêm chủng cơ bản đạt kế hoạch, đã phủ hết mũi 1. Đáng lưu ý là công tác vận động tiêm chủng thực hiện tốt và người dân rất tích cực hưởng ứng tiêm vaccine

Phó Chủ tịch TP đề nghị các quận, huyện, xã, phường tiếp tục rà duyệt các đối tượng đã tiêm mũi 1 để xây dựng kế hoạch tiếp tục tiêm mũi 2, đảm bảo hiệu quả tiêm chủng.

Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết, thời gian qua, Thành phố đã thành lập 3 tổ công tác phòng chống dịch. Trong bối cảnh mới hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất kiện toàn lại Ban chỉ đạo, các tiểu ban phòng, chống dịch trên cơ sở kết hợp các tiểu ban để giảm đầu mối, đồng thời thành lập tiểu ban mới về phục hồi sản xuất kinh doanh nhằm tạo đà phát triển trở lại cho thành phố trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thường trực Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành ủy mong muốn nới lỏng các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải cơ bản, thống nhất, đồng bộ trên toàn địa bàn Thành phố.

Ban Thường vụ đã giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố cùng với các Sở, ngành, nghiên cứu phương án cụ thể, báo cáo Thường trực và Thường vụ để có cách thức triển khai thực hiện tốt nhất từ ngày 21/9 trở đi. Về cơ bản, Thành phố sẽ không triển khai theo 3 vùng, việc phong tỏa sẽ thực hiện theo quy mô nhỏ nhất, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất.

Song song với việc nới lỏng từng bước, các địa phương cần tập trung quản lý chặt chẽ các điểm phong tỏa; Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho các cửa hàng về quét mã QR để đảm bảo quản lý chặt chẽ và phục vụ hiệu quả trong việc truy vết nếu có F0… Đồng thời, giao các địa phương rà soát, đánh giá tình hình có sự khoanh vùng hiệu quả, vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất kinh doanh.

Công an Thành phố tiếp tục cấp giấy đi đường, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong cấp giấy đi đường gắn với dữ liệu quản lý dân cư. Với 67 chốt ra vào Thủ đô, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị đơn vị nghiên cứu báo cáo UBND Thành phố phương án các chốt này sau ngày 21/9.

Liên quan tới nhiệm vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội đề xuất cho phép Viện có những hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp để có sự tháo gỡ các vướng mắc kịp thời  và tính toán phương án tăng trưởng kinh tế Thủ đô trong thời gian tới.  Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế xã hội chủ động nghiên cứu, tổ chức tiếp xúc, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để tham mưu đề xuất UBND Thành phố để xây dựng được kế hoạch, bước đi trong phát triển kinh tế của Thủ đô.

Gia Huy

Top