Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc

21/01/2021 9:00 AM

(Chinhphu.vn) - Với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đất đồi gò, vườn tạp trong khu dân cư nông thôn. Đồng thời từng bước hình thành vùng sản xuất bưởi hàng hóa tập trung, theo quy trình công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, thời gian qua Trung tâm Phát triển nông nghiệp đã tập trung phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội, đến nay cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thiện Tâm.

Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô, năm 2019 - 2020, Trung tâm Phát triển nông nghiệp đã phối hợp với trường Cao đằng Cộng đồng Hà Tây tổ chức một lớp đào tạo cho 12 học viên về sản xuất giống bưởi; quản lý, kỹ thuật về thiết kế vườn trồng, lựa chọn giống, phân bón, kỹ thuật bón phân cho từng giai đoạn sinh trưởng. Qua các lớp tập huấn đã giúp cho chủ trang trại, nhà vườn, nông dân áp dụng vào thực tiễn trong việc chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh cho cây bưởi tại gia đình và truyền đạt, phổ biến cho gia đình khác về kỹ thuật trồng và thâm canh cây bưởi đạt hiệu quả cao nhất.

Trong 2 năm (2019 -2020), Trung tâm Phát triển nông nghiệp đã tổ chức tuyên tuyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển được 123 ha bưởi các loại tại 15 xã của 6 huyện là: Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất; gồm các giống bưởi: Bưởi đỏ Tân Lạc (68 ha), bưởi Diễn (22 ha), bưởi Tam Vân (29 ha), bưởi chua đầu tôm Sài Sơn (5,0 ha), bưởi Thồ Bạch Hạ (10 ha).

Sau một năm đánh giá cho thấy cây bưởi sinh trưởng phát triển tốt, bộ lá xanh đậm, lộc ra đều và khỏe, lộc đông ít, sâu bệnh không đáng kể là tiền đề để cây bưởi phát triển tốt trong cả giai đoạn kiến thiết cơ bản và đem lại năng suất cao trong chu kì kinh doanh sau này. Thông qua mô hình đã giúp cho nông dân có cách nhìn mới trong việc trồng bưởi theo kỹ thuật, giúp bưởi sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách bừa bãi, giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, chương trình đã góp phần giúp người dân hiểu được tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường sống xung quanh từ đó bảo vệ nguồn nước, đất, không khí trong lành hơn cho người dân trong vùng. Từng bước làm thay đổi một số thói quen canh tác cũ, nhằm bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, góp phần giữ gìn, bảo vệ tài nguyên đất, nước, môi trường.

Điển hình, năm 2019, Trung tâm đã tổ chức xây dựng mô hình điểm sản xuất bưởi hữu cơ và áp dụng kỹ thuật đồng bộ với quy mô 4 ha, được thực hiện tại xã Nam Phương Tiến - huyện Chương Mỹ, Vân Hà - huyện Phúc Thọ, Cát Quế - huyện Hoài Đức, Sài Sơn - huyện Quốc Oai. Kết quả cho năng suất 31,3 tấn/ha, đạt 739,5 triệu đồng/ha, tăng hơn so với sản xuất truyền thống 150,5 triệu đồng/ha/năm, tương ứng 20,4%/năm.

Ngoài ra, Trung tâm Phát triển nông nghiệp cũng phát triển mô hình điểm sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn Việt Nam với quy mô 9 ha, được thực hiện tại xã: Nam Phương Tiến - huyện Chương Mỹ; Vật Lại - huyện Ba Vì; Thượng Mỗ - huyện Đan Phượng; Vân Hà - huyện Phúc Thọ; Thị trấn Xuân mai - huyện Chương Mỹ.  Mô hình cho năng suất đạt 32,3 tấn/ ha; Hiệu quả kinh tế tăng đạt 690,6 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời tạo sự chuyển biến mới trong tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa những nông dân có diện tích nhỏ lẻ thành một tổ chức có quy mô lớn, tập trung, giúp tăng thêm tính cộng đồng trong sản xuất, áp dụng kỹ thuật. Qua đó đã giúp giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh hại, giảm lượng phân bón hóa học, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước trong vùng sản xuất

Để đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản xuất, năm 2019 - 2020, Trung tâm phát triển nông nghiệp cũng đã hỗ trợ thành lập được 2 HTX nông nghiệp hữu cơ Thủ Đô tại huyện Ba Vì, HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến huyện Chương Mỹ, nhằm tạo liên kết sản xuất của các nhà vườn, các hộ tạo ra sản lượng hàng hóa lớn để gắn kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra giữa HTX và doanh nghiệp. Điển hình HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến - huyện Chương Mỹ đã liên kết với các doanh nghiệp như: Vineco; BigC; Tmax; Sói Biển; Công ty suất ăn công nghiệp Hà Nội; Sân gol Sikelec; Green Path..., tiêu thụ 40 vạn quả bưởi/năm  và nhiều nông sản khác cho nông dân, góp phần nâng cao giá trị trái bưởi, tăng thu nhập cho thành viên tham gia HTX.

Như vậy có thể thấy, kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nộị trong giai đoạn 2019- 2020 so với năm 2018, diện tích cây bưởi năm 2020 của thành phố Hà Nội ước đạt 7.693 ha, tăng 25,3%; năng suất quả tăng  13,5% (25,0 tạ/ha), sản lượng tăng 42,1% (45.384 tấn). Hiệu quả kinh tế đạt 589 triệu đồng/ha.

Dựa trên hiệu quả kinh tế đã đạt được, từ nay đến năm 2025, theo bà Hoàng Thị Hòa, Hà Nội sẽ trồng mới một số giống bưởi với 200 ha gồm bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi Thồ Bạch Hạ... Phấn đấu 100% diện tích sản xuất bưởi an toàn, trong đó có 30 - 40% diện tích sản xuất bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Xây dựng 2 - 3 cơ sở phát triển sản xuất bưởi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời xây dựng và duy trì được từ 3 nhãn hiệu chuối tập thể; cấp 2 - 3 mã OTAS cho các vùng sản xuất bưởi tập trung.

Thiện Tâm

Top