Thực phẩm sạch: Không chỉ dừng ở mô hình

13/03/2018 10:50 AM

(Chinhphu.vn) – Với việc chỉ đạo gắt gao công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn thành phố, những tháng gần đây Hà Nội hầu như không phát hiện vụ việc nào lớn về mất VSATTP. Tuy nhiên, với số dân lớn hàng đầu cả nước, Hà Nội hiện vẫn chưa tự đáp ứng được toàn bộ nhu cầu thực phẩm của mình. Hơn thế, với tốc độ xây dựng hiện nay đất nông nghiệp Hà Nội ngày một thu hẹp, nguồn cung thực phẩm lại càng phụ thuộc vào nhập từ câc địa phương khác.

Chuyển đổi nhận thức về thực phẩm sạch tại chợ truyền thống sẽ giảm áp lực quản lý ATTP. Ảnh; VGP/An Khuê

Nhiều biện pháp kiểm soát ATTP

Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã thẳng thắn thừa nhận, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng và những gian lận về VSATTP nói chung chỉ có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi việc thanh, kiểm tra được tăng cường. Các cơ quan chức năng cứ “ngơi tay” một chút là vi pham lại có dấu hiệu gia tăng, thậm chí nhiều tư thương còn tranh thủ những khoảng thời gian này để kiếm lời với số lượng lớn thực phẩm có nhiễm chất cấm.

Để làm căn cơ hơn việc loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng: "Phải làm chuyển biến nhận thức về ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vì hiện nay có nơi làm tốt, có nơi không làm tốt. Cách làm là các ngành, địa phương phải vào cuộc đồng bộ, mục tiêu tối thượng là kiểm soát chất cấm, vận dụng tốt nhất cơ chế ở địa phương. Nếu địa phương nào nói không có kinh phí để làm thì chưa đầy đủ, không chỉ vì thiếu vài chục triệu, vài trăm triệu mà làm ngơ cho tội ác".

Thực trạng các mặt hàng nông lâm thủy sản mất ATTP có mặt tràn lan trên thị trường, ngoài nguyên nhân bắt nguồn từ sự hám lợi của người sản xuất, kinh doanh, còn phải kể đến sự yếu kém trong công tác quản lý của chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng.

Hà Nội đang có nhiều hoạt động thiết thực để đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Tháng 12/2017, quận Thanh Xuân đã thí điểm mô hình “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” (ATTP). Mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” được UBND quận Thanh Xuân xây dựng trên phố Thượng Đình, tập trung 27 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ lượng khách hàng tương đối lớn. Khi chính thức hoạt động, tất cả các cơ sở ăn uống tại tuyến phố này sẽ được lực lượng chức năng của quận và phường sở tại tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ mỗi cơ sở từ 2 lần trở lên trong 1 tuần.

Ông Lê Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) cho biết, hiện nay, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố chủ yếu là tự phát, “mạnh ai, nấy làm”, không chú trọng nguồn gốc thực phẩm. Vì vậy, để chuyển sang một mô hình hoàn toàn mới là việc không đơn giản. Để có thể triển khai thành công mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” tại phố Thượng Đình, chính quyền địa phương đã xác định phải tiến hành một “cuộc cách mạng” để đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp. Theo đó, đơn vị sẽ tập trung triển khai chu đáo từ việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, đến việc hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch…

Tăng trách nhiệm địa phương

Theo kế hoạch của UBND quận Thanh Xuân, ngoài tuyến phố Thượng Đình, trong các năm tới, quận phấn đấu sẽ có 11 tuyến phố kiểm soát ATTP tại 11 phường trên địa bàn. Trước đó, từ tháng 7 vừa qua, quận Thanh Xuân đã thí điểm mở 5 cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại 5 phường trên địa bàn quận. Việc mở các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn này sẽ tạo sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm khi triển khai mô hình tuyến phố kiểm soát ATTP.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên cơ sở thí điểm tại quận Thanh Xuân, Hà Nội sẽ tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm ATTP, gây mất mỹ quan đô thị. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng chia sẻ, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng chất lượng thực phẩm vẫn chưa tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng.

Nhằm nâng cao năng lực quản lý đảm bảo chất lượng (ATTP), nâng cao nhận thức, thực hành đúng về ATTP của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, là nội dung đặt ra trong Kế hoạch số 253/KH-UBND vừa ban hành của UBND TP về công tác An toàn thực phẩm năm 2018.

Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác chỉ đạo và năng lực quản lý nhà nước về ATTP.  Phân công rõ trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn; đẩy mạnh phong trào thi đua “An toàn thực phẩm”, khắc phục các hạn chế yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP; chấm điểm thi đua về ATTP; đẩy mạnh Chương trình phối hợp vận động giám sát ATTP giữa UBND và UBMTTQ Việt Nam các cấp. Xây dựng văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện đến từng đơn vị, đưa các tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát huy vai trò chỉ đạo, tăng cường trách nhiệm của UBND và Ban Chỉ đạo công tác ATTP các cấp đặc biệt là xã, phường, thị trấn. Kiện toàn Ban Chỉ đạo, đội ngũ cán bộ mạng lưới làm công tác ATTP, cộng tác viên ATTP từ Thành phố tới xã, phường, thị trấn theo quy định. Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức, hội thảo cho cán bộ Ban Chỉ đạo, mạng lưới ATTP từ Thành phố tới xã, phường, thị trấn; cho chủ các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

Cùng với đó, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh mất ATTP thuộc lĩnh vực quản lý. Kiên quyết xử lý vi phạm trong nuôi trồng, giết mổ gia súc gia cầm, sản xuất chế biến nông lâm sản, thủy sản; trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Tiếp tục phát triển sản xuất và tiêu thụ Rau an toàn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Triển khai đầu tư phát triển hệ thống chợ trên phạm vi địa bàn Thành phố thông qua kết hợp giữa cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ hiện có với việc mở rộng và phát triển thêm các chợ mới theo quy hoạch…

An Khuê

Top