Tiếp tục làm rõ không gian kiến trúc Hoàng thành Thăng Long thời Lý

28/12/2016 2:23 PM

(Chinhphu.vn)-Năm 2016, qua kết quả các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khảo cổ học khẳng định đã làm rõ thêm một phần không gian chính điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng và Lê Sơ, đồng thời sẽ tiếp tục làm rõ thêm một phần không gian kiến trúc quan trọng của Hoàng thành Thăng Long thời Lý.

Rồng đá thềm điện Kính Thiên-Ảnh internet

Tại cuộc họp báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên năm 2016 tổ chức sáng 28/12, các nhà khảo cổ cho biết, kết quả khảo cổ năm 2016  khẳng định các kết luận sơ bộ của những năm trước, vừa gợi mở thêm các nghiên cứu trong thời gian sắp tới. Dấu tích Hoàng thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được chứng minh rõ thêm nhưng vẫn còn nguyên các bí ẩn ở dưới lòng đất đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu kiên trì, tổng thể và lâu dài.

Theo PGS.TS Phùng Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, mỗi mùa khai quật khảo cổ khu vực điện Kính Thiên lại có những nhận thức mới, ghi dấu ấn trong bảo tồn, phát huy di sản khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

GS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cũng cho biết, vị trí của khu di tích, vùng lõi trên dưới 20 ha, toàn bộ các cuộc khai quật đều thống nhất địa tầng từ Đại La đến thời Lý và thời hiện đại. Kết quả khảo cổ tiếp tục xác định tầng văn hoá có niên đại kéo dài từ khoảng thế kỷ VIII-IX đến thế kỷ XIX-XX tại khu vực điện Kính Thiên. Tiếp tục xác định được các dấu tích ở Trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại... 

Theo các nhà khảo cổ, mặc dù hố đào còn rất nhỏ, các di tích thường chồng xếp, cắt phá rất phức tạp nhưng trong nghiên cứu tổng thể vẫn góp phần nhận diện rõ thêm kiến trúc tổng thể của khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ.

Các nhà khảo cổ lần đầu tiên làm rõ móng tường thời Nguyễn ở Đoan Môn được dựng lên trên cơ sở tận dụng và thu hẹp móng tường Đoan Môn thời Lê Trung Hưng. Đối với thời Lê Trung Hưng, sẽ tiếp tục làm rõ dấu tích móng tường phía Nam của Cấm thành, dấu tích chân móng và móng của Đoan Môn sâu 1,2-1,5 m so với bề mặt hiện tại, dấu tích sân Đan Trì lát gạch vồ màu xám, dấu tích hành lang giai đoạn sớm nối tiếp với kết quả khai quật năm 2014 và năm 2015.

Đối với thời Lê Sơ, tiếp tục làm rõ dấu tích móng tường phía Nam của Cấm thành nằm ở phía trong của móng tường thời Lê Trung Hưng, dấu tích sân Đại Triều mà gạch lát đã bị bóc gần hết, dấu tích kiến trúc hành lang có bó nền, có dải bó nền trang trí kiểu hoa chanh. Dấu tích kiến trúc này có một thời kỳ được mở rộng thêm, dấu tích đường thoát nước thời Lê Sơ.

Kết quả khai quật cũng bước đầu làm rõ các kiến trúc thời Lý dạng kiến trúc hành lang chạy dài theo hướng Đông-Tây và có thể kết nối theo hướng Bắc-Nam. Kiến trúc thời Lý tiếp tục quy mô, phương vị với tổng thể kiến trúc của khu trung tâm và khu 18 Hoàng Diệu, điều này cho thấy rõ quy hoạch tổng thể kiến trúc thành Thăng long thời Lý.

Diệp An

Top