Tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa Japonica hiệu quả cao

18/01/2021 3:47 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 5 năm triển khai sản xuất lúa Japonica đến nay, chương trình đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao, vượt so với mục tiêu đề ra và lan tỏa sản xuất lúa trên toàn Thành phố.

Mô hình lúa chất lượng cao Japonica mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thiện Tâm.

Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, kế hoạch sản xuất lúa Japonica được bắt đầu từ năm 2016, do xác định các đối tượng trực tiếp sản xuất là nhân tố quan trọng quyết định thành công của kế hoạch, đặc biệt các giống lúa Japonica mới đưa vào sản xuất, người dân chưa nắm vững quy trình. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển nông nghiệp chú trọng trong công tác đào tạo, tập huấn cho nông dân tham gia sản xuất, điển hình như: Kỹ thuật thâm canh lúa Japonica theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ từ khâu ngâm ủ, gieo cấy, chăm sóc, bón phân, thu hoạch; kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng và phát triển chuỗi liên kết... Qua các lớp đào tạo, tập huấn đã nâng cao trình độ kỹ thuật thâm canh sản xuất cũng như nhận thức của nông dân trong việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, chuỗi liên kết. Từ đó giúp nông dân các xã chủ động, vững tin trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tính đến nay, kết quả về các chỉ tiêu năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế đều đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica đạt hơn 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa Bắc thơm số 7 từ 14 triệu đồng/ha/vụ – 16 triệu đồng/ha/vụ, lúa thường 20 triệu đồng/ha/vụ (vượt 25% so với kế hoạch đề ra).

Từ hiệu quả kinh tế của kế hoạch, đến nay đã lan tỏa sản xuất lúa Japonica trên toàn Thành phố. Tại một số huyện, diện tích sản xuất lúa Japonica tăng mạnh như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, ..(Năm 2018: Ứng Hòa 2.282 ha , Mỹ Đức 179 ha, Chương Mỹ 52,6ha. Đến năm 2020: Ứng Hòa 4.009 ha , Mỹ Đức 861 ha, Chương Mỹ 1.454,3ha, …). So với năm 2018, diện tích sản xuất lúa Japonica tại 10 huyện sản xuất lúa trọng điểm tăng gấp 2,55 lần.

Đặc biệt, trong 2 năm 2019-2020, đã tiến hành khảo nghiệm 5 giống lúa gồm ĐS1, Vaas16, J01, J02, trên diện tích 1,25 ha. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, các giống lúa đều sinh trưởng phát triển tốt, có kiểu hình thân lá đẹp, đẻ nhánh tập trung, cho năng suất đạt từ 60 tạ/ha – 63 tạ/ha. Trong đó cao nhất là giống J01, đã đề xuất bổ sung vào cơ cấu giống lúa của Hà Nội. Đánh giá được 01 giống lúa có triển vọng là Lộc trời 64, đề nghị tiếp tục khảo nghiệm đánh giá ở các vụ theo.

Trong năm 2019-2020, đã triển khai xây dựng được 36 vùng sản xuất với quy mô 2.641 ha lúa Japonica tại 33 hợp tác xã thuộc 27 xã của 7 huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh. Năng suất lúa sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam, chất lượng an toàn bình quân đạt 6,48 tấn/ha– 6,6tấn/ha. Năng suất lúa sản xuất theo hữu cơ và hướng hữu cơ đạt 5,65 tấn/ha - 5,84 tấn/ha

Bên cạnh đó, đã xây dựng được 4 mô hình bảo quản chế biến tại hợp tác xã nông nghiệp xã Tam Hưng, hợp tác xã nông nghiệp xã Bình Minh và 2 cửa hàng kinh doanh gạo tại quận Hà Đông và quận Hai Bà Trưng. Sử dụng máy sấy lúa bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng đều, tránh được tình trạng lúa bị ẩm mốc, nảy mầm, gạo xay xát bị nứt, gãy, biến màu. Đồng thời khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động thời vụ (giảm 20% - 25% chi phí nhân công phơi lúa), giảm tổn thất sau thu hoạch.

Để đẩy mạnh và kết nối tiêu thụ sản phẩm- đây cũng được xem là khâu vô cùng quan trọng bảo đảm cho phát triển sản xuất được bền vững, ngay từ khi xây dựng kế hoạch, Sở NN&PTNT đã định hướng cho các đơn vị trực thuộc chú trọng công tác xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức các lớp tập huấn cho các tác nhân tham gia chuỗi. Kết quả năm 2020 đã xây dựng và phát triển được 2 chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm là HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú với Công ty cổ phần Green Path Việt Nam và HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết. Tiêu thụ được trên 1.000 tấn thóc tươi cho nông dân. Qua đó, người nông dân được bảo đảm đầu ra cho sản phẩm khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nên yên tâm sản xuất.

Với những kết quả đạt được, bước sang giai đoạn 2021- 2025, theo bà Hoàng Thị Hòa, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao của Hà Nội, phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng của toàn thành phố đạt trên 80% diện tích gieo cấy. Đồng thời duy trì và phát triển 200 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hoá theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu với quy mô: 11 nghìn ha diện tích gieo trồng, năng suất lúa hữu cơ đạt 5,0 tấn/ha - 5,5 tấn/ha; lúa an toàn, VietGAP đạt 6,0 tấn/ha - 6,5 tấn/ha; gia tăng giá trị sản xuất lúa khoảng 15 triệu đồng/ha/năm - 17 triệu đồng/ha/năm so với lúa thường; hình thành và phát triển 3 vùng – 5 vùng sản xuất lúa thảo dược làm thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ sau thu hoạch (sấy, chế biến, bảo quản gạo) nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lúa, gạo; hình thành 3-5 chuỗi liên kết nội địa và xuất khẩu nhằm mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất bền vững.

Thiện Tâm

Top