Trở về tuổi thơ với cánh Diều làng Bá Giang

08/02/2019 6:27 PM

(Chinhphu.vn) - Có dịp về làng Bá Giang (nay gọi là Bá Dương Nội) thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội - nơi đây có nghề làm diều và thú chơi thả diều từ hơn nghìn năm nay, bất chợt chúng tôi nghe thấy câu ca: “Ta trở về tuổi thơ, bên dòng sông Mẹ/ Bá Giang ơi! Thổn thức những cánh diều...”.

Ông Nguyễn Hữu Khiêm, Trưởng Hội diều làng Bá Dương Nội giới thiệu về các công đoạn làm diều. Ảnh: Thùy Linh

Quả là mảnh đất này chứa đầy những câu chuyện huyền thoại về cánh diều. Các cụ già trong làng kể, từ thủa để chỏm đã theo các bậc cha, chú thả diều nơi cánh bãi sông Hồng, đời ông cha các cụ cũng được truyền lại thú chơi diều từ bậc tiền nhân. Chơi diều ở làng Bá Giang gắn liền với sự tích ông Nguyễn Cả, là tướng giỏi cùng Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, trở về làng báo công đã tổ chức lễ hội, trong đó có hội thi thả diều. Sau khi ông thác, dân làng tưởng nhớ ân đức, lập đền thờ tôn ông làm Thành hoàng làng. Hội thi diều thường vào ngày 15/3 âm lịch hằng năm cũng từ đó gắn với lễ tế ông Cả. Đây là lễ hội thả diều lớn nhất miền Bắc vẫn được gìn giữ cho đến nay.

Ông Nguyễn Hữu Khiêm, Trưởng Hội diều làng Bá Dương Nội cho biết, Lễ hội thả diều này có ý nghĩa văn hóa tâm linh lớn. Lễ hội thả diều là để cầu trời mau tạnh bởi trong suốt mùa xuân trời ẩm ướt, lúc nào thời tiết cũng mưa xuân. Lễ hội thả diều đối với cư dân làm nông nghiệp mà nói, năm nào thả diều thành công, diều bay cao, tiếng sáo kêu to và trong trẻo báo hiệu năm đấy có vụ mùa tươi tốt.

Rằm tháng 3 âm lịch mới là hội thi thả diều, nhưng từ tháng 8 năm trước, trong làng đã rục rịch làm diều. Người ta chọn tre, mua giấy, khoét sáo, chuốt dây,… rất tỉ mỉ, công phu. Ông Khiêm cho biết, để làm một con diều phải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn “xương” diều, “xương” diều chủ yếu được làm bằng tre, nhưng không phải giống tre nào cũng làm được, mà buộc phải chọn được loại tre già, tre gai mọc ở đồng bằng. Thời điểm chặt tre cũng rất quan trọng, tre phải chặt vào mùa đông, giãi khô, tiếp đó chẻ ra và định hình khung diều. Sở dĩ phải kỳ công chọn tre là bởi loại tre nhỏ và đặc này mới cho diều bộ khung cứng, dẻo, bền và không nặng.

Xưa kia, dây diều làm bằng tre bánh tẻ vót chuốt đều, nối dài rồi cuộn lại ngâm vào nước quả cây chuối hột và muối, rồi ninh sôi trong nồi cả ngày, thành dây vừa dai vừa mềm. Nay dây thả diều chủ yếu là dây dù.

Những người làm diều có kinh nghiệm cho biết, làm sáo diều muốn hay phải làm loại tre sóc (loại tre ương ương chết từ gốc đến ngọn trong bụi cây) vừa dẻo và có tiếng êm, vang xa. Chiếc sáo vừa nhẹ, lại có tiếng vừa thanh, vừa ấm. Xưa kia, giấy dán diều bồi bằng giấy bản thời nay giấy có thể bằng vải, nhựa để diều càng nhẹ càng bay xa.

Không biết chơi sáo diều thì không phải người con của Bá Dương Nội, đó là câu nói vui của người dân nơi đây. Bởi từ người già cho đến các em nhỏ trong làng ai ai cũng thuộc lòng câu thơ:

“Làm diều đeo sáo hai bên cánh

Nối đất với trời một sợi dây

Tiếng sáo vi vu như bản nhạc

Vang vọng gần xa, thật đắm say”

Đối với người dân ở làng Bá Dương, chơi diều, thả diều đã đi vào trong tâm thức của họ một cách rất tự nhiên. Cứ thế, cứ thế đời cha cho đến đời con, cháu cùng nhau gìn giữ, bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương. Với người dân nơi đây, chơi diều không chỉ để thư giãn những lúc nông nhàn, mà đó còn là thú vui và niềm đam mê không thể thiếu…

Ông Nguyễn Hữu Khiêm cho biết thêm, cả nước có 7 câu lạc bộ chơi diều nhưng chỉ duy nhất có Bá Giang là cả làng chơi diều sáo truyền thống và có hội thi. Chính vì vậy câu lạc bộ diều Bá Giang là câu lạc bộ diều duy nhất ở Việt Nam được công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian về diều của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Diều của làng thường tham gia nhiều lễ hội thả diều lớn như Lễ hội thả diều 1.000 năm Thăng Long Hà Nội; Lễ hội diều festival Huế; Festival Diều quốc tế Vũng Tàu. Không chỉ dừng lại ở trong nước cánh diều làng Bá Dương Nội còn vươn bay xa ở các nước Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…, đồng thời còn tham gia hội thi thả diều lớn nhất hành tinh ở Pháp năm 2012.

Ngày nay dù xã hội phát triển có nhiều trò chơi hiện đại nhưng với người dân làng Bá, thú chơi diều là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Người Bá Giang từ già đến trẻ luôn tự hào và gìn giữ lễ hội truyền thống của quê hương mà hàng ngàn đời ông cha để lại. Họ gửi gắm vào những cánh diều ước mơ, khát vọng về cuộc sống tương lai.

Thùy Linh

Top