5 mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
(Chinhphu.vn) – Theo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 vừa mới được ban hành, thành phố Hà Nội đặt ra 5 mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Ảnh minh họa: Minh Anh |
Theo Chương trình số 07-CTr/TU, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
5 mục tiêu cụ thể được đưa ra sẽ được Hà Nội phấn đấu thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 là xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Tiến tới nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học. Đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (data science) và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G. Phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố khoa học quốc tế. Dẫn đầu cả nước về hình thành, phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng và phát triển thương hiệu Hà Nội.
Khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về KHCN và đổi mới sáng tạo
Hà Nội cũng sẽ đặt mục tiêu là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ.
Hà Nội cũng phấn đấu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045.
Trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; là một trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á. Hà Nội cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị Thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng Thành phố thông minh.
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của Thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Hà Nội đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực KH&CN trên địa bàn, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu. Trên địa bàn Thành phố có 80% trường đại học,viện nghiên cứu, 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ khoa học và tiến sỹ của cả nước; từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.
Cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN đã chuyển mạnh từ phương thức giao trực tiếp sang đặt hàng, tuyển chọn.
Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Các sản phẩm KH&CN thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. Bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.
Thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ... Có 1.216 doanh nghiệp được hướng dẫn công bố, hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến; 52 nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký bảo hộ. Đến nay, Hà Nội cũng đã có 93 doanh nghiệp KH&CN được đăng ký chính thức.
Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ được nâng lên. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ và hạt nhân, thông tin, thống kê KH&CN có nhiều tiến bộ, từng bước hội nhập quốc tế.
Tại Hà Nội, các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KH&CN tiếp tục được tăng cường thông qua việc tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung, cầu (Techfest, Techmart, TechDemo...); các hội nghị, hội thảo khoa học liên ngành, liên vùng; các sự kiện quốc tế lớn (Tọa đàm về phát triển “Thành phố thông minh” - phối hợp với Bộ Thương mại Hoa Kỳ và 18 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ; Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội; Tọa đàm cấp cao tham vấn về sáng kiến “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” - phối hợp với Tổ chức UNESCO tại Việt Nam thực hiện).
Hoạt động KH&CN chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Bên cạnh những kết quả trên, Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá hoạt động KH&CN của Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. KHCN nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Chưa gắn kết chặt chẽ giữa khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị để phục vụ phát triển nhanh và bền vững Thủ đô. Hoạt động nghiên cứu triển khai ở một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao, nhất là nghiên cứu phục vụ công tác tham mưu, hoạch định cơ chế, chính sách, xây dựng định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Chất lượng, hiệu quả đổi mới công nghệ còn thấp, chưa có bước đột phá. Cơ sở hạ tầng về công nghệ cao còn yếu; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong GRDP của Thành phố còn thấp.
Nhân lực KH&CN tuy đã có bước phát triển về số lượng, nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu. Kết quả thực hiện chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ về làm việc tại Thủ đô còn hạn chế. Thị trường KH&CN Thủ đô còn manh mún, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của thị trường, hiệu quả chưa cao; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi giới chuyển giao công nghệ. Số lượng công bố khoa học quốc tế của Hà Nội đứng thứ hai cả nước. Năm 2019, Hà Nội có 4.782 công bố khoa học quốc tế nhưng việc chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế. Việc nhân rộng mô hình nghiên cứu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp còn chậm.
Cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao, phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn thiếu và chưa đồng bộ. Chưa huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho phát triển thị trường KH&CN; số doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Việc thành lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn hạn chế.
Các chỉ tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025
(1) Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP;
(2) Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 7,0% - 7,5%;
(3) Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp: trên 70%;
(4) Tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP;
(5) Doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%;
(6) Tối thiểu 40% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ;
(7) Phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế; tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Minh Anh