An toàn tác nghiệp cho nhà báo trong môi trường số

19/04/2018 5:17 PM

(Chinhphu.vn) - Trên môi trường số, các nhà báo có thể đối diện với các nguy cơ đến từ “fake news”, tấn công dữ liệu, tấn công từ mạng xã hội…

Ảnh minh họa

Ngày 19/4/2018, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) - thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - tổ chức hội thảo “An toàn số cho Nhà báo”.

Hội thảo là hoạt động nằm trong chương trình “Bảo vệ An toàn tác nghiệp cho nhà báo”do RED thực hiện, thuộc Dự án “Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế” do Bộ các vấn đề toàn cầu(GAC) của chính phủ Canada  hỗ trợ.

Nhận diện nguy cơ

Công nghệ điện tử, công nghệ thông tin vừa là một cuộc cách mạng của nhân loại, vừa đặt ra nhiều thách thức về an toàn dữ liệu, an toàn thông tin đối với người sử dụng. Theo Thống kê thường niên 2017 của Kaspersky Lab, Việt Nam đứng đầu trong danh sách có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc cục bộ, đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia bị tấn công vào lỗ hổng mật mã hóa, đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc trực tuyến.

Trong bối cảnh đó, vấn đề an toàn tác nghiệp trong môi trường số càng trở nên quan trọng đối với các nhà báo. Trong thời đại báo chí đa phương tiện, đặc biệt là với báo chí điện tử, thì dữ liệu, thông tin số vừa là tư liệu, vừa là sản phẩm, tài sản chủ yếu của báo chí; mặt khác, ngành báo chí không thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ nên kiến thức, kỹ năng về an toàn số của nhà báo, phóng viên còn nhiều hạn chế.

Trên thế giới đã có rất nhiều tổ chức, trường đào tạo báo chí, các tổ chức xã hội về báo chí nghiên cứu sâu và có chương trình, hành động cụ thể để tăng cường an toàn tác nghiệp báo chí thì ở Việt Nam, câu chuyện an toàn tác nghiệp báo chí vẫn chưa được đặt ra một cách toàn diện.

TS Vũ Tuấn Anh, Học viện Ngoại giao cho biết, năm 2016 đã có tổng cộng khoảng 145 nghìn cuộc tiến công mạng khác nhau nhằm vào hệ thống thông tin Việt Nam với ba loại hình tiến công chính là: Lừa đảo, mã độc và thay đổi giao diện, gây thiệt hại hơn 10.400 tỷ đồng. Hơn 10 nghìn trang/cổng thông tin điện tử có tên miền “.vn” bị tiến công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện, cài mã độc và có hơn 70% số máy tính bị lây nhiễm. Theo ghi nhận của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT) thì Quý I/2017 đã có gần 7.700 sự cố tiến công mạng vào các website tại Việt Nam.

Tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, bản quyền trên Internet ngày càng tăng, nguy cơ gián điệp mạng, tội phạm mạng trở nên phức tạp, nguy hiểm.

Môi trường Internet cũng bị lợi dụng để tán phát thông tin bịa đặt, không kiểm chứng, độc hại nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, hoạt động khủng bố, phá hoại, hoạt động tội phạm mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, nguy hiểm với mức độ thiệt hại ngày càng tăng.

Dẫn giải 12 vấn đề an toàn số với nhà báo của UNESCO, tiến sỹ Vũ Tuấn Anh (Học viện Ngoại giao) cho biết nhà báo phải đối mặt với việc có thể bị giám sát; bị khai thác phần cứng và phần mềm; tấn công lừa đảo; tấn công bằng tên miền giả mạo.

Cùng lúc, họ cũng có thể bị xâm phạm tài khoản của người sử dụng; hăm dọa, quấy rối online; bôi nhọ và xóa thông tin; chiếm đoạt các sản phẩm báo chí; vi phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Bá, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Infonet thì cho hay, nhà báo cũng như những người sử dụng môi trường số đều có thể bị ăn cắp thông tin. Tuy nhiên, việc tấn công vào nhà báo sẽ có chủ đích cao hơn.

Ngoài ra, nhà báo dễ bị lập tài khoản giả mạo để phát tán thông tin giả mạo. Và, mức độ nguy hiểm của tin giả sẽ cao hơn rất nhiều. Trong một trường hợp khác, nhà báo có thể bị tấn công bằng tin nhắn, bình luận trên mạng xã hội.

Tăng cường an toàn tác nghiệp trên nền tảng số

Từ việc nhận diện nguy cơ, hội thảo hướng tới tìm ra các giải pháp khắc phục và xử lý vấn đề, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản góp phần tăng cường an toàn tác nghiệp.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga, Trưởng đại diện Báo Tiền phong kể về những câu chuyện chị bị đe dọa bằng tin nhắn, bôi nhọ trên mạng xã hội, cắt ghép ảnh rồi gán bình luận không tốt đăng trên YouTube… Sau đó, chị đã tự bảo vệ mình bằng cách đề nghị tới các đơn vị chức năng làm rõ.

Ông Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong kỷ nguyên công nghệ số, phải tuyên truyền cho các nhà báo kỹ năng bảo vệ an toàn trong tác nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hòa Văn, ngoài 2 trụ cột của nghề báo là bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và tri thức thì trụ cột thứ 3 của nghề trong thời đại hiện nay là nền tảng công nghệ. Nếu không có nền tảng hiểu biết về công nghệ nhà báo có thể “rước họa” vào thân. Nhiều nhà báo bị đe dọa tính mạng, danh dự nhân phẩm, đe dọa an toàn dữ liệu của bản thân. Theo ông Văn, cần có hướng dẫn, thành một giáo trình cụ thể về an toàn số để đưa vào các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo.

Theo TS Vũ Tuấn Anh, các nhà báo cần biết cách bảo vệ thiết bị khỏi phần mềm độc hại và tin tặc; bảo vệ thông tin của bạn khỏi các mối đe dọa; tạo và duy trì mật khẩu an toàn; bảo vệ các tệp/tập tin nhạy cảm trên máy; hủy thông tin nhạy cảm; giữ thông tin xuất hiện online một cách riêng tư; duy trì ẩn danh và bỏ qua kiểm duyệt trên Internet; sử dụng điện thoại di động an toàn nhất có thể…

Nhật Thy

Top