Bài 2: Bảo vệ quyền người tiêu dùng: Trách nhiệm của doanh nghiệp

10/11/2021 8:58 AM

(Chinhphu.vn) - Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chính là tạo niềm tin vào tiêu dùng, tin vào sản phẩm, dịch vụ, do đó làm tăng tiêu dùng và tăng tiêu dùng thực chất là tăng giao dịch mua bán sản phẩm, dịch vụ. Đây cũng là thước đo quan trọng hàng đầu thể hiện trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. * Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thích ứng với thời đại số

Chất lượng sản phẩm ngày càng được doanh nghiệp chú trọng, thể hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những năm qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi đa chiều đã cung cấp kiến thức pháp luật về các quyền cơ bản của người tiêu dùng, cách tiếp nhận hỗ trợ bảo vệ quyền lợi khi tham gia mua bán.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân, thành phố Hà Nội còn chú trọng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, định hướng và phát huy ý thức tôn trọng quyền người tiêu dùng của từng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Bùi Văn Quyền, đại diện Công ty Ecopath Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng là yếu tố quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp, do đó để thành công thì doanh nghiệp phải luôn đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, phải luôn nỗ lực trong việc sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng thực sự tốt khi đưa đến tay người tiêu dùng. Để thành công và phát triển bền vững, ngoài thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng cần thể hiện trách nhiệm xã hội…

Còn theo ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm, trong một xã hội văn minh thì bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm phải có của bất kỳ doanh nghiệp nào. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng phải được biểu hiện trên các phương diện như chất lượng của sản phẩm, dịch vụ khi đưa ra thị trường; minh bạch hóa thông tin, giúp người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn đúng sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của họ.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải có trách nhiệm định hướng để người tiêu dùng sử dụng hiệu quả sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp; cảnh báo cho khách hàng biết về những sản phẩm không đạt yêu cầu về độ an toàn hay không bảo đảm vệ sinh thực phẩm đang hiện hữu trên thị trường…

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng thay đổi ở mọi ngành nghề, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi nhưng trên hết vẫn cần đặt khách hàng là trọng tâm. Do đó, việc bảo vệ, bảo đảm quyền lợi khách hàng là việc đương nhiên phải làm, như chính sách đổi trả, bảo hành sản phẩm... Cần tiếp nhận phản ánh của khách hàng với thái độ cầu thị, đi đến tận cùng khúc mắc của khách hàng và thay đổi mình mỗi ngày.

Kinh doanh có trách nhiệm là giải pháp bền vững cho doanh nghiệp

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng người tiêu dùng. Ngoài cung cấp các sản phẩm dịch vụ an toàn, chất lượng tốt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp cần có trách nhiệm trong ổn định giá cả cho người tiêu dùng. Đặc biệt, hướng doanh nghiệp tới sản xuất các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Không chỉ với người tiêu dùng, trong bối cảnh dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, kinh doanh có trách nhiệm chính là giải pháp bền vững cho doanh nghiệp. Để xây dựng cộng đồng có trách nhiệm hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp cần thực hiện 3K: Kinh doanh lành mạnh; khẳng định và xây dựng vai trò trung tâm của người tiêu dùng trong tôn chỉ hoạt động; không xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Với người tiêu dùng, theo ông Tuấn, cần thực hiện 3T: Thường xuyên tìm hiểu các kiến thức và kỹ năng tiêu dùng phù hợp; thúc đẩy và tham gia có trách nhiệm với các hành vi tiêu dùng bền vững; thông tin tố cáo tới các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về các hành vi vi phạm.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, khi doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ thấy đây vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của doanh nghiệp. Bởi việc làm này không chỉ giúp ích người tiêu dùng mà qua đó cũng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu và hình ảnh đẹp về doanh nghiệp.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra, tăng cường giám sát về nguồn gốc xuất xứ, giá, chất lượng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Nhanh chóng tiếp nhận và giải đáp, xử lý các thắc mắc, khiếu nại của người tiêu dùng khi tham gia mua sắm. Với những việc làm cụ thể, thiết thực này, cả 3 phía gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân sẽ nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của mình trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, văn minh.

Bích Phương

Bài 3: Đưa chính sách bảo vệ quyền người tiêu dùng vào cuộc sống

Top