Bài 2: Phát huy di sản và du lịch trong phát triển công nghiệp văn hoá

03/01/2022 10:33 AM

(Chinhphu.vn) - Để phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, Hà Nội có rất nhiều lĩnh vực thế mạnh để ưu tiên phát triển, tiêu biểu như: Du lịch văn hoá và khai thác thế mạnh về tiêm năng di sản của Hà Nội…

* Bài 1: Văn hoá là nguồn lực quan trọng trong phát triển nhanh và bền vững Thủ đô

Bài 2: Phát huy di sản và du lịch trong phát triển công nghiệp văn hoá - Ảnh 1.

Hà Nội có 1.793 di sản văn hoá phi vật thể được nhận diện, kiểm kê đưa vào danh sách để bảo vệ

Để hiện thực hóa việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, Hà Nội đang nhận diện các tiềm năng, thế mạnh của các ngành, địa phương, đơn vị mình trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; lựa chọn lĩnh vực ngành công nghiệp văn hóa mà ngành, địa phương, đơn vị thấy có khả thi triển khai, thực hiện.

Cần định lượng tiềm năng di sản trong phát triển công nghiệp văn hoá

Với góc nhìn quản lý di sản, TS. Lê Thị Minh Lý, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam nhận định, Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Tính đến cuối năm 2015 Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hoá trong đó có 2396 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt (12), di sản thế giới (1). Hà Nội có 1.793 di sản văn hoá phi vật thể được nhận diện, kiểm kê đưa vào danh sách để bảo vệ. Trong đó có 1.206 lễ hội; 215 tập quán xã hội và tín ngưỡng; 175 nghề thủ công truyền thống; 106 di sản về tri thức dân gian; 79 nghệ thuật trình diễn dân gian; 14 di sản về ngữ văn dân gian.

Bên cạnh đó, Hà Nội có hơn 1.300 làng nghề, trong đó riêng làng nghề thủ công mỹ nghệ chiến 92 làng nghề, Hà Nội cũng có khoảng 1/3 nghệ nhân dân gian của cả nước. Qua các hội thảo các chuyên gia và hiệp hội làng nghề đánh giá Hà Nội là một trong số rất ít Thủ đô có số lượng làng nghề phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều làng nghề trên 1.000 năm tuổi. Đây là những tài sản vô cùng quý với Thành phố cần được phát huy và khai thác.

Để phát triển công nghiệp văn hoá, Hà Nội có nhiều điểm mạnh, theo TS. Lê Thị Minh Lý, di sản văn hoá vừa giàu có, vừa đa dạng, trên địa bàn Hà Nội là một nguồn lực vô cùng lớn, quan trọng, vốn bền vững của công nghiệp văn hoá. Con người (cả chủ thể và khách thể) là điểm mạnh, ưu thế cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hoá, sử dụng, tiêu thụ. Hà Nội nơi tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Hà Nội đã bước đầu có những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hoá, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hoá, nguồn tiềm năng của công nghiệp văn hoá.

Tuy nhiên Hà Nội cũng có một số điểm yếu như chưa nhận diện được giá trị văn hoá từ di sản một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hoá, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hoá, cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hoá còn chưa hợp lý…

TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng Hà Nội cần quan tâm, đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay để có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hoá. Cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hoá, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hoá.

Cần chú trọng/ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hoá dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị để đào tạo con người (chủ thể và khách thể) của công nghiệp văn hoá vừa là một trong những trụ cột chính quyết định sự bền vững của công nghiệp văn hoá ở mỗi quốc gia. Ngoài ra, cần xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hoá trong kinh tế, xã hội hoá quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định nhất là vấn đề bảo vệ di sản văn hoá, quyền/lợi ích của chủ thể văn hoá (cộng đồng), bình đẳng văn hoá và bản quyền.

Bài 2: Phát huy di sản và du lịch trong phát triển công nghiệp văn hoá - Ảnh 2.

Hà Nội đang xây dựng thương hiệu du lịch văn hoá qua nhiều sản phẩm du lịch


Phát triển du lịch văn hóa thành ngành công nghiệp văn hóa

Trong những năm vừa qua, ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu tích cực, từng bước khẳng định vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng khách bình quân đạt 10,1%/năm, tốc độ tăng năm sau cao hơn năm trước, năm 2019 Hà Nội đón 28,945 triệu lượt khách bằng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, trong đó đón 7,025 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng cao, bình quân 17,6%/năm, năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng, đóng góp 12,54% vào GRDP của Thành phố (đóng góp trực tiếp là 5,16% và đóng góp gián tiếp là 7,38%).

Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các tỉnh phía Bắc và cả nước; Hà Nội luôn trong danh sách bình chọn của Tổ chức du lịch Thế giới cho các điểm đến hàng đầu của châu Á và Thế giới.

Trên thực tế, du lịch văn hóa phát triển thì các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy. Điển hình ở Hà Nội, các đơn vị nghệ thuật truyền thống như Nhà hát múa rối Thăng Long đã hoạt động kinh doanh, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hằng năm, là điểm đến không thể thiếu của bất cứ du khách nước ngoài nào khi tham quan thủ đô Hà Nội, giới thiệu tới du khách chương trình múa rối nước đặc sắc, độc đáo, du khách thêm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Chương trình nghệ thuật du lịch thực cảnh được đầu tư quy mô, ấn tượng như Tinh hoa Bắc Bộ...

Ngoài ra, du lịch văn hóa Hà Nội đưa nhiều khách tới các điểm di tích nổi tiếng như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (hơn 1,5 triệu lượt khách năm 2019), đền Ngọc Sơn (gần 1,2 triệu), Văn Miếu - Quốc Tử Giám (gần 400 ngàn), di tích nhà tù Hỏa Lò (hơn 450.000), ngoài ra như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…; lễ hội chùa Hương, hội Gióng,...

Theo Sở Du lịch Hà Nội, định hướng du lịch Thủ đô thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu phát triển đạt tỷ lệ đóng góp tổng hợp ngành du lịch vào GRDP Thành phố phấn đấu đạt trên 10%; trong hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến lĩnh vực du lịch văn hóa; ngành du lịch Hà Nội xác định tập trung xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội.

Thương hiệu du lịch văn hoá Hà Nội được xây dựng dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao.

Sở cũng triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn; nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, làng cổ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Thủ đô bền vững, có giá trị kinh tế cao. Phát triển du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có bản sắc, vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.”

Góp phần vào quá trình xây dựng thương hiệu du lịch văn hoá, Hà Nội cũng đang trong quá trình xây dựng lộ trình, kế hoạch, ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể, nguồn lực tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển ngành công nghiệp du lịch văn hóa ở Việt Nam và Hà Nội. Tập trung quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hình thành Hà Nội là trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo phát triển công nghiệp du lịch văn hóa tiêu biểu.

Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/9/2016 phê duyệt chiến lượng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì công nghiệp văn hóa được xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.

Gia Huy

Top