Bài 3: Đưa chính sách bảo vệ quyền người tiêu dùng vào cuộc sống

11/11/2021 10:53 AM

(Chinhphu.vn) – Trong thời gian vừa qua, nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiêu biểu như Chỉ thị số 30-CT/TW, Nghị quyết số 82/NQ-CP hay Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã có các hành động thiết thực để đưa những chính sách này vào đời sống. * 
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Diệu Anh

Để tăng cường sự Lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng, từ năm 2019, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện nghiêm túc các nhóm giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng…

Để thực hiện chỉ thị này, tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chương trình hành động cũng hướng tới việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, đưa việc đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thành trách nhiệm, động lực và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt;…

Hay hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng bền vững.

Theo đó, chương trình sẽ phấn đấu đến hết năm 2025, hằng năm, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (63/63) đều có hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Bảo đảm hằng năm ít nhất 200.000 người tiêu dùng trên cả nước được tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc được đào tạo kỹ năng về tiêu dùng;…

Để các chính sách này đi vào cuộc sống, thời gian qua, các cấp, ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã tích cực thực hiện các chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Chẳng hạn, Bộ Công Thương đã hỗ trợ nhiều địa phương tuyên truyền nội dung Chỉ thị 30..Riêng đối với thành phố Hà Nội đã phổ biến đến cấp huyện như huyện Hoài Đức, quận Cầu Giấy, huyện Mê Linh…

Tại Hà Nội, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn Thành phố quan tâm, triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp, giúp người tiêu dùng tự nhận biết bảo vệ quyền lợi, cảnh giác đối với các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, các sản phẩm không minh bạch về nguồn gốc.

Đồng thời, Thành phố cũng đã phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như quy định liên quan thông qua các hoạt động tổ chức hằng năm như: Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3”; tổ chức hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng; tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại...

Các sở, ngành Thành phố cũng thường xuyên rà soát, nghiên cứu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế và triển khai các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết và tham gia cũng như chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng…

Nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP, thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định có liên quan đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi vi phạm; tiếp tục kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, kịp thời kiến nghị cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản về chính sách bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với chính sách của Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương.

UBND Thành phố cũng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu bãi sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng có tính truyền thống; nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện chưa được bổ sung vào phần hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan…

Diệu Anh

Top