Bài học từ nuôi lợn cuối năm

24/01/2017 3:24 PM

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhìn nhận: “Muốn chăn nuôi phát triển bền vững thì sản xuất phải gắn chặt với đầu ra, không chăn nuôi tự phát. Định hướng của ngành chăn nuôi Hà Nội sẽ tập trung vào các mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học. Đối với gia cầm, giảm mạnh chăn nuôi công nghiệp và chuyển hướng sang phát triển chăn nuôi gà đồi, thả vườn”.

Năm “buồn” của người nuôi lợn

Chưa năm nào, người chăn nuôi gặp khó khăn như năm nay khi đến ngày cận Tết, giá thịt lợn vẫn đang chạm đáy khiến cho nhiều hộ nuôi thua lỗ. Tuy nhiên, nghịch lý là trong khi giá lợn hơi xuất chuồng xuống thấp nhưng giá thịt lợn ngoài chợ vẫn ở mức cao.

Đến xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai gặp anh Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại thôn Cấn Thượng những ngày này chưa thấy không khí Tết đâu, đơn giản vì năm nay thu nhập chính của gia đình anh từ nuôi lợn đã giảm mạnh. Anh Lâm cho biết, mặc dù anh chủ yếu nuôi lợn siêu nạc nhưng giá xuất chuồng cũng chỉ được 30.000-32.000 đồng/kg, còn lại lợn bình thường ở mức 25.000-27.000 đồng/kg. Hiện trang trại của anh Lâm có gần 400 con lợn thịt đến ngày xuất bán. “Đây là mức giá thấp nhất kể từ khi tôi bắt tay vào xây dựng trang trại chăn nuôi lợn vào năm 2006 đến nay”, anh Lâm chia sẻ.

Nhiều hộ chăn nuôi ở các địa phương khác như Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Sóc Sơn… cũng gần như mất Tết khi giá lợn xuống quá thấp. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, giá thành để sản xuất ra 1 kg lợn hơi từ lúc bắt đầu nuôi đến đạt trọng lượng 100 kg là khoảng 40.000-42.000 đồng/kg. Nếu người nuôi chủ động được con giống thì với mức giá xuất chuồng hiện nay còn lỗ ít, còn nếu phải mua giống thì đang lỗ khoảng trên 1 triệu đồng/con. “Tình hình giá lợn quá thấp như hiện nay đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, thu nhập của người nông dân cũng như tăng trưởng của ngành trong những tháng đầu năm”-Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định.

Ở vào thời điểm tháng 6/2016, khi giá thu mua lợn hơi giảm do Trung Quốc ngừng thu mua lợn mỡ nhưng vẫn giữ được mức giá 42.000-46.500 đồng/kg, đến tháng 12 còn ở mức giá 37.000-38.000 đồng/kg. Như vậy, có thể thấy rằng lợn hơi xuất chuồng vẫn tiếp diễn đà trượt giá khá sâu dù thị trường Tết được đánh giá là thời điểm “nóng”, tiêu thụ thực phẩm mạnh nhất trong năm. Theo ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng lợn hơi rớt giá là do nguồn cung vượt mạnh so với cầu. “Tâm lý của người chăn nuôi là tăng đàn để bán vào dịp Tết nên tái đàn không theo quy hoạch, kế hoạch, đua nhau tăng đàn dẫn đến nguồn cung lớn”-ông Trúc chia sẻ.

Điều đáng nói, trong khi giá lợn hơi ở mức thấp, giá thịt lợn bán tại các chợ vẫn giữ ổn định ở mức khá cao. Tại một số chợ như Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Thành Công (Ba Đình)…, giá thịt lợn bình quân khoảng 100.000 đồng/kg, gấp 3-4 lần giá lợn hơi. Tại chợ Dương Nội (Hà Đông), mức giá “mềm” hơn một chút là khoảng 85.000-90.000 đồng/kg. Lý giải về nghịch lý này, một số tiểu thương cho biết, do giá lợn mua tại các lò mổ vẫn cao nên họ không thể giảm giá thịt!? Còn tại các cửa hàng thực phẩm sạch, giá thịt lợn được niêm yết ở mức cao hơn rất nhiều.

Theo phân tích của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), một trong những nguyên nhân lớn khác là do Trung Quốc ngừng thu mua lợn, nhất là lợn mỡ (từ 100 kg trở lên) và thắt chặt kiểm soát tiểu ngạch khiến cho việc tiêu thụ lợn bị tắc nghẽn. Trong khi đó, năm 2016 vừa qua được đánh giá là một năm thắng lớn của ngành chăn nuôi với tốc độ tăng trưởng 5,4%. Theo thống kê, tổng đàn lợn của cả nước đạt hơn 29 triệu con, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Để lập lại mặt bằng giá cho thị trường thịt lợn, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có công văn khẩn đề nghị các tỉnh, TP tạo điều kiện để việc buôn bán, vận chuyển thịt lợn được dễ dàng hơn, nghiêm cấm các cơ quan thú y, thị trường, công an lập các chốt kiểm dịch và thu phí trái quy định. Đồng thời tăng cường thông tin thị trường, giúp cho người chăn nuôi ổn định số lượng, không bị tư thương ép giá.

Cấp đông để cứu lợn hơi

Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, chỉ có cách cấp đông thịt thì cắt đứt được sự thao túng của lái buôn, thợ thịt bấy lâu nay, bởi thực tế giá lợn hơi thấp, nhưng giá thịt ngoài chợ vẫn cao như thường. Ông Tường phân tích, việc người tiêu dùng Việt Nam có thói quen tiêu thụ thịt nóng trong ngày ngoài việc không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm còn tạo áp lực rất lớn tới người chăn nuôi và là cơ hội cho cánh lái buôn thao túng, ép giá. Bởi với thói quen này, áp lực phải bán hết thịt trong ngày rất lớn, do vậy dẫn đến tình trạng lái buôn thợ thịt mỗi ngày chỉ tiêu thụ một vài ba con nên người chăn nuôi cũng phải xây dựng kế hoạch tương tự.

Do đó, theo ông Tường, nếu áp dụng đồng bộ việc giết mổ công nghiệp, cấp đông, người nuôi lợn sẽ vào đàn ở một thời điểm và xuất bán cùng một lứa, qua đó vừa tiết giảm được chi phí, hạ giá thành lại hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, theo ông Tạ Văn Tường, việc cấp đông thịt lợn muốn thành công bền vững cần phải đồng bộ trong chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ mới đảm bảo truy xuất được nguồn gốc và hài hòa lợi ích từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng cuối cùng.

Được biết, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đang tiến hành đẩy mạnh xây dựng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ thực phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, với 9 chuỗi liên kết thịt lợn, mỗi ngày tiêu thụ được hàng chục tấn. Nhờ đó, kết nối bền vững giữa người chăn nuôi tới đơn vị làm dịch vụ và hệ thống bán lẻ, cắt bỏ được nhiều khâu trung gian không cần thiết, đảm bảo các bên cùng có lợi.

Vừa qua, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cũng đã phát động các doanh nghiệp đầu mối chuỗi của Hà Nội hưởng ứng tháng giới thiệu thịt mát và thịt cấp đông tới người tiêu dùng Thủ đô, sau khi phát động, hiện đã có 5 doanh nghiệp hưởng ứng tham gia. Trung tâm cũng đã có văn bản giới thiệu sản phẩm của các chuỗi tới các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, nhà máy chế biến thực phẩm để giới thiệu tới người tiêu dùng và cũng là để tiêu thụ sản phẩm cho chuỗi, hiện nay các hộ chăn nuôi cung cấp sản phẩm cho các chuỗi vẫn tiêu thụ sản phẩm được ổn định và có lãi. ‘‘Chúng tôi coi đây là cuộc cách mạng, bởi khi xóa bỏ được tình trạng giết mổ tiêu thụ trong ngày, chăn nuôi sẽ không còn chịu áp lực cung cấp đầu ra nhỏ giọt cho thương lái nữa. Thay vào đó, người chăn nuôi có điều kiện áp dụng chăn nuôi cùng vào cùng ra sẽ khống chế được dịch bệnh, giảm nhiều tổn thất trong chăn nuôi, nâng năng suất, hạ giá thành đáng kể. Đây cũng là điều kiện quan trọng để chúng ta tổ chức chăn nuôi công nghệ cao như các nước phát triển nhằm tạo ra sản phẩm ưu việt nhất”, ông Tạ Văn Tường nhận định.

Bộ NN&PTNT đã ra khuyến cáo, việc mở rộng quy mô đàn lợn hiện nay phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, nhất là quy mô đàn lợn nái. Đồng thời thay đổi cơ cấu giống, đa dạng hóa sản phẩm để tránh rủi ro, trong đó chú ý phát triển các giống lợn đặc sản vùng miền và mô hình chăn nuôi hữu cơ.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Cục Chăn nuôi đã tổ chức các đoàn công tác đến phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai... triển khai kiểm tra và nắm chắc tình hình xuất khẩu lợn thịt tiểu ngạch sang Trung Quốc. Qua đó chủ động thông tin kịp thời cho người dân và đề xuất lãnh đạo Bộ NN&PTNT các giải pháp trong công tác quản lý”. 

Nguyễn Dũng

Top