Bàn giải pháp gỡ ‘điểm nghẽn’ trong giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4

11/11/2022 3:17 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 11/11, UBND TP. Hà Nội tổ chức cuộc họp trao đổi kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Bàn giải pháp gỡ ‘điểm nghẽn’ trong giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Vướng mắc trong di dời tái định cư, di chuyển mồ mả

Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, cụ thể: Đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh).

Theo Báo cáo của UBND TP. Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn trên địa bàn Thành phố dài khoảng 59,2km đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Tổng diện tích đất thu hồi là khoảng 766,3ha, trong đó, đất ở khoảng 17,2 ha; đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) khoảng 54,7ha; đất nông nghiệp khoảng 694,4ha.

Tổng số hộ bị thu hồi đất khoảng  hơn 16.900 hộ, trong đó, số hộ bị thu hồi đất ở khoảng 1.030 hộ. Số ngôi mộ phải di chuyển khoảng hơn 14.650 ngôi. Nhu cầu tái định cư (dự kiến) khoảng 1.113 hộ.

Thực hiện nhiệm vụ được UBND Thành phố giao, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua, rà soát tổng hợp các khó khăn, vướng mắc chính trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong quá trình triển khai dự án…

Bàn giải pháp gỡ ‘điểm nghẽn’ trong giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Tại hội nghị, đại diện các sở ngành, quận huyện của 3 tỉnh, thành đã có nhiều ý kiến trao đổi về những vướng mắc trong công tác GPMB, trong đó có vấn đề di dời tái định cư, nhất là di chuyển mồ mả, mở rộng nghĩa trang; việc ứng vốn, đối vốn và phân bổ vốn của các địa phương vẫn còn khó khăn…

Cần có "cẩm nang"trong công tác GPMB

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh giao cho địa phương chỉ định thầu liên quan đến GPMB dự án thành phần 1.3 theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội và 106/NQ-CP của Chính phủ, cụ thể  giao cho các huyện chỉ định thầu từ tái định cư đến di chuyển hạ tầng kỹ thuật cũng như di chuyển mồ mả…

Hiện dự án xây dựng vành đai 4-Vùng Thủ đô chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành về trình tự, nội dung lập báo cáo nghiên cứu khả thi khâu GPMB nên vấn đề ứng vốn triển khai các hạng mục của các địa phương còn khó khăn. Do đó, ông Hà đề xuất khi chưa có dự án được phê duyệt cần ứng từ nguồn vốn địa phương hoặc xin Trung ương ứng trước để triển khai sớm, sau khi phê duyệt dự án sẽ trả lại.

Đại diện huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn nhất vẫn là công tác GPMB, đặc biệt khi thu hồi đất gặp nhiều vấn đề tồn tại, bởi có nhiều yếu tố lịch sử…Do đó, kiến nghị lãnh đạo 3 tỉnh, thành cụ thể hóa Nghi quyết 106 trong việc thống nhất chung về thực hiện cơ chế đặc thù, để có "cẩm nang"trong công tác GPMB; sở ngành căn cứ các quy định đó để có thể hướng dẫn các địa phương triển khai dự án.

Ngoài ra, còn vướng về cơ chế chính sách, trong đó có quy trình sử dụng đất, xác định nguồn gốc, liên quan triển khai dự án đồng thời hạ tầng tái định cư, mở rộng nghĩa trang, thực hiện xây dựng các dự án tái định cư cho các hộ có đất bị thu hồi…

Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên đánh giá việc di dời tái định cư, nhất là di chuyển nghĩa trang theo phong tục địa phương còn nhiều vướng mắc do phải lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Một số huyện hiện không còn quỹ đất ở và đất nghĩa trang, dẫn đến việc xây dựng khu tái định cư và khu nghĩa trang mới phải được phê duyệt điều chỉnh bổ sung trong quy hoạch mới.

 "Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, chúng tôi đã trực tiếp ra soát lại các hướng tuyến. Ưu tiên GPMB đất nông nghiệp, phấn đấu đến 30/6/2023, GPMB được 70%. Qua chia sẻ của các huyện cho thấy vướng nhất là trình tự thủ tục để phê duyệt dự án, mặc dù Nghị quyết quy định dự án triển khai đồng thời, song song nhưng chưa rõ ràng, cho nên chúng ta cần bàn bạc, tháo gỡ bằng được dự án thành phần GPMB này", đại diện Sở GTVT Hưng Yên nêu.

Chậm nhất đầu tháng 12/2023 phải duyệt được dự án thành phần 1

Chia sẻ ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, chúng ta xác định khoảng thời gian không thể thay đổi được là đến tháng 6/2023, phấn đấu 3 tỉnh, thành phố, chỉ số trung bình là 70% quy mô GPMB toàn tuyến; đến tháng 12/2023 phải đạt 100% GPMB. Như vậy mới có khả năng Vành đai 4-Vùng Thủ đô hoàn thành vào hết năm 2026 và khai thác vận hành sử dụng vào năm 2027.

Bàn giải pháp gỡ ‘điểm nghẽn’ trong giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Thùy Linh

"Mục đích cuộc họp hôm nay một phần chúng ta triển khai chủ trương đầu tư Nghị quyết 56 của Quốc hội và Nghị quyết 106 của Chính phủ nhưng đều xác định tính chất pháp lý là cơ chế, chính sách GPMB của dự án thành phần 1 (dự án GPMB) là phải đồng bô của cả dự án Vành đai 4 cả Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Do đó đề nghị, sau cuộc họp hôm nay cần có một thông báo chung của 3 tỉnh, thành về dự án thành phần 1", Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Qua báo cáo của Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Nội đều cho thấy "điểm nghẽn" hiện nay chính là dự án bồi thường GPMB số 1 đối với Hà Nội là 1.1, Hưng Yên là 1.2 và Bắc Ninh là 1.3 chưa được phê duyệt. Tuy nhiên chúng ta phải học tập kinh nghiệm của TPHCM trong việc đặt mục tiêu cho dự án, đó là phải chủ động, bứt phá và phấn đấu chậm nhất đầu tháng 12/2023 phải duyệt được dự án thành phần 1.

Về nội hàm của dự án, Phó Chủ tịch Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, dự án thành phần 1 là nhóm dự án thành phần 1.1, 1.2, 1.3, do đó không có khái niệm tiểu dự án tiếp theo, các nội dung thành phần là hạng mục của dự án gồm tái định cư thổ cư, tái định cư mồ mả, tái định cư hạ tầng kỹ thuật, tái định cư công trình khác; đồng thời không có khái niệm chủ trương đầu tư cho các hạng mục tiếp theo các các dự án thành phần hạng mục…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông chia sẻ một số kinh nghiệm trong thực hiện của Hà Nội thời gian qua như ban hành cơ chế chính sách để cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp uỷ chính quyền các địa phương cùng vào cuộc. Gần đây nhất, ngày 20/10, UBND Thành phố đã ban hành quyết định bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, trong đó đã cởi gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn được nêu tại hội nghị hôm nay.

Đặc biệt, Hà Nội chủ động thực hiện các hỗ trợ khác với các trường hợp không đủ điều kiện  để bồi thường như được cấp đất trái thẩm quyền, không có giấy tờ, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Theo quy định của pháp luật, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, có thẩm quyền quyết định các hỗ trợ khác, bảo đảm người dân được hưởng chính sách khi di chuyển ít nhất bằng hoặc hơn nơi ở cũ…

Thùy Linh

Top