Bán hàng livestream: Đưa hàng Việt vươn xa

29/08/2024 1:10 PM

(Chinhphu.vn) - Livestream bán hàng là một hình thức tiếp cận khách hàng mới, nhằm đưa sản phẩm nông sản địa phương đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng. Đây cũng chính là một công cụ quan trọng giúp các thương hiệu Việt tiếp cận khách hàng một cách trực tiếp và hiệu quả.

Bán hàng livestream: Đưa hàng Việt vươn xa- Ảnh 1.

Livestream giúp tương tác trực tiếp với khách hàng. Ảnh minh họa

Giúp tương tác trực tiếp với khách hàng

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, từ sau đại dịch COVID-19, hoạt động tiêu dùng đã có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh phát triển của khoa học-công nghệ, giải pháp bán hàng qua sàn thương mại điện tử nói chung và bán hàng livestream nói riêng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có sự sáng tạo, nhanh nhạy trong việc tiếp cận thị trường, khách hàng qua cách thức hoạt động kinh doanh mới.

Theo thống kê, thời gian qua, bình quân mỗi tháng, có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Các mặt hàng bán qua hình thức này rất đa dạng như thời trang, làm đẹp, văn phòng phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm nông sản Việt…

Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm... Với phương thức bán hàng thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng, các doanh nghiệp phát triển các loại hình phân phối hiện đại, mở rộng đối tượng khách hàng.

Ngành thương mại điện tử không chỉ là trào lưu mà đang trở thành xu thế tất yếu trong thời đại số hiện nay. Chính sự bùng nổ của công nghệ và internet cũng đã tạo ra một không gian không giới hạn để phát triển các hoạt động thương mại.

Thông qua livestream, mọi người đã tạo ra sân chơi kết hợp mua sắm trên mạng xã hội ngày càng phát triển. Việc livestream bán hàng cũng giúp người bán hàng, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với người tiêu dùng về sản phẩm cần bán.

Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, "sức nóng" của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử. Không dừng lại ở một buổi phát trực tiếp đơn thuần, các thương hiệu còn đang kết hợp với những người có ảnh hưởng (KOLs) để đạt được hiệu quả kinh doanh.

Ngoài các kênh mạng xã hội phổ biến (như Facebook, YouTube, TikTok…), hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…cũng được nhiều thương hiệu Việt áp dụng.

Điều này cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng, đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên độ lợi nhuận cao hơn.

Điển hình có thể kể đến như nền tảng Shopee và Lazada, người dùng có thể tìm thấy các buổi livestream với sự tham gia của những thương hiệu như Vinamilk... với các khuyến mãi sâu, độc quyền dành cho người tiêu dùng. Cùng với đó, mỗi buổi livestream sẽ được dẫn dắt bởi các KOLs và Influencer (người có sức ảnh hưởng).

Tăng cường đưa hàng Việt lên sàn thương mại điện tử

Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ và độc lạ hơn để thử nghiệm. Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt thích ứng và đổi mới, đồng thời thách thức họ phải tạo ra những chiến lược tiếp thị sáng tạo để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Thương mại điện tử cùng với livestream bán hàng được dự báo sẽ là những giải pháp quan trọng cho tăng trưởng doanh thu, tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện và gần gũi hơn với khách hàng.

Để thúc đẩy, đưa hàng Việt vươn xa, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt đến đông đảo người tiêu dùng; nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, các nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác hỗ trợ liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông sản sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thông qua tổ chức các chương trình, hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, tôn vinh sản phẩm Việt…

Từ đó, các đơn vị tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trong nước, hỗ trợ xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài.

Thành phố Hà Nội cũng đã giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Chợ nhà mình…); tổ chức các hội nghị đối thoại, giao ban tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp các thủ tục về vốn, thị trường, thuế, hải quan... các thủ tục hành chính liên quan tới: Quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế…

"Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng cũng cần đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream…để tiếp cận đông đảo người tiêu dùng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung", ông Nguyễn Thế Hiệp nhấn mạnh.

Thùy Linh

Top