Ban hành danh mục công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng
(Chinhphu.vn) - Sáng 10/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 25, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Ban hành Danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn (đợt 1), thi hành khoản 3 Điều 19 Luật Thủ đô năm 2024.

Hà Nội sẽ tận dụng không gian ngầm như một nguồn lực mới trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và quỹ đất mặt đất ngày càng hạn hẹp. Ảnh minh họa
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong lộ trình phát triển đô thị hiện đại, bền vững, tận dụng không gian ngầm như một nguồn lực mới trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và quỹ đất mặt đất ngày càng hạn hẹp.
Theo Nghị quyết, danh mục các loại công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm: Công trình phục vụ phát triển hệ thống đường sắt đô thị, bao gồm: Tuyến đường sắt đô thị ngầm, nhà ga ngầm và các công trình ngầm khác liên quan. Công trình ngầm kết nối các công trình ngầm khác với nhau (kết nối ga đường sắt đô thị ngầm, công trình công cộng ngầm, bãi đỗ xe ngầm, lối vào tầng hầm của các công trình thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, văn hóa, thể dục thể thao…).
Công trình phục vụ hệ thống giao thông đô thị giải quyết các vấn đề cấp bách của đô thị, bao gồm: Hầm chui đường bộ, đường bộ ngầm, bãi đỗ xe ngầm. Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm cung cấp năng lượng, phục vụ chiếu sáng công cộng, viễn thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng, an toàn môi trường. Công trình dịch vụ công cộng ngầm có chức năng văn hóa, thể thao, thương mại, phát triển du lịch.
Danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1), bao gồm: Danh mục các dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị ngầm, gồm: 8 tuyến có tổng chiều dài khoảng 320,25km, 191 nhà ga, trong đó có 81,2km đi ngầm và 68 ga ngầm.
Danh mục đầu tư xây dựng hầm giao thông đường bộ, bãi đỗ xe ngầm và công trình công cộng ngầm, gồm: 85 công trình, trong đó có 5 hầm chui đường bộ, 78 bãi đỗ xe ngầm và 2 công trình công cộng ngầm.
Danh mục các tuyến phố hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông, điện lực và các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung, gồm: 95 tuyến phố hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông, điện lực và các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung.
Việc HĐND TP. Hà Nội thông qua Nghị quyết ban hành Danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng không chỉ góp phần cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024, mà còn mở ra một chương mới trong chiến lược khai thác không gian đô thị theo chiều sâu. Đây là tiền đề quan trọng để hình thành một Hà Nội văn minh, hiện đại, giao thông thông suốt, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và chất lượng sống ngày càng nâng cao.
Thông qua Đề án kiện toàn Quỹ phát triển đất thành phố
Với tỉ lệ tán thành cao, cũng tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Đề án kiện toàn Quỹ phát triển đất TP. Hà Nội.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện và ban hành các Quyết định phê duyệt Đề án kiện toàn Quỹ phát triển đất TP. Hà Nội, Quyết định kiện toàn Quỹ phát triển đất TP Hà Nội; ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất TP Hà Nội và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Quỹ Đầu tư phát triển (sau hợp nhất) theo Đề án Kiện toàn Quỹ phát triển đất TP. Hà Nội của UBND TP. Hà Nội, gồm: Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát, Bộ máy điều hành.
Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất sạch là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cần thiết có một nguồn lực sẵn sàng để chi trả thực hiện các công tác này bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Trong năm 2024 và năm 2025, UBND TP. Hà Nội đã có các báo cáo, đề xuất Thành ủy các đề án khai thác tổng thể nguồn lực đất đai để tạo vốn phát triển kinh tế xã hội TP. Hà Nội giai đoạn 2025-2030 và giai đoạn tiếp theo đối với các quỹ đất: quỹ đất dự kiến đối ứng cho các dự án BT nay không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; quỹ đất UBND TP. Hà Nội đã thu hồi/ tiếp nhận, giao Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội quản lý...
Do đó, việc tiếp tục duy trì hoạt động và kiện toàn cơ cấu tổ chức; sửa đổi, bổ sung Quyết định thành lập, Điều lệ tổ chức và hoạt động, điều chỉnh hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của Quỹ phát triển đất hiện có theo Luật Đất đai năm 2024, Nghị định 104/2024/NĐ-CP ngày 31/7/2024 của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan là cần thiết.
Đồng thời, có ý nghĩa trực tiếp trong việc tập trung nguồn lực tài chính kịp thời đáp ứng nhu cầu ứng vốn phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư; tạo quỹ đất để giao đất thực hiện chính sách đất đai; tạo lập, phát triển quỹ đất tái định cư và tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Thùy Chi