Bảo đảm an toàn lao động giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất
(Chinhphu.vn) - Vấn đề an toàn lao động từ lâu đã được các cấp, ngành, doanh nghiệp Hà Nội quan tâm sát sao. Qua đó, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Chủ động xây dựng kế hoạch an toàn lao động
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp và người lao động tại TP. Hà Nội ý thức việc bảo đảm an toàn lao động mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Các cơ quan đoàn thể và ngành chức năng cũng đã chủ động phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường làm việc…
Điển hình tại Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh, việc bảo đảm an toàn lao động được triển khai rất tích cực, thông qua nhiều các hoạt động cụ thể như thường xuyên tuyên truyền các quy định an toàn lao động; ứng dụng lồng ghép các kiến thức về an toàn lao động trong kỳ thi nâng bậc lương, thi nội quy, quy chế của Công ty; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập an toàn lao động phòng chống cháy nổ, cấp cứu người bị nạn... để sẵn sàng xử lý khi tai nạn lao động xảy ra.
Còn theo đại diện Công ty Cổ phần Nhựa Hiệp Hòa, hằng năm, công ty đều xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, trang bị bảo hộ cho người lao động; đồng thời tổ chức và mời các đơn vị về tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, cấp chứng chỉ cho cán bộ thuộc bộ máy quản lý về an toàn lao động.
Cùng với bảo đảm sức khỏe cho người lao động, việc cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ luôn được công ty xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Việc thực hiện các quy định phòng cháy chữa cháy cũng được Công ty chấp hành nghiêm túc, có hồ sơ lưu trữ riêng, có đầy đủ các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và sẵn sàng hoạt động trong bất kỳ trường hợp nào
Chị Nguyễn Thị Thơ, công nhân Xí nghiệp thêu, Công ty TNHH May Đức Giang, Long Biên cho rằng, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động không chỉ giúp người lao động có môi trường làm việc an toàn mà còn tạo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
"Điều tôi mong muốn nhất là được nâng cao thu nhập, được làm việc trong điều kiện an toàn, bảo đảm vệ sinh, chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần", chị Thơ nói.
Tăng cường giải pháp giảm thiểu rủi ro lao động
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, Sở đặc biệt đề cao tinh thần, sức khỏe của người lao động. Để bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, việc làm, phúc lợi và chăm sóc sức khỏe người lao động, Sở sẽ tăng cường biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Sở sẽ chủ động phối hợp cùng Liên đoàn Lao động Thành phố tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ kịp thời cho người sử dụng lao động, người lao động vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Qua đó thúc đẩy thị trường lao động phục hồi nhanh, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Về phía doanh nghiệp, chị Đào Thị Thu Thúy, Trưởng phòng An toàn Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cho biết, với phương châm an toàn là trên hết, Công ty Canon đã triển khai rất nhiều các hoạt động hướng đến nâng cao nhận thức của công nhân viên về vấn đề an toàn và hạn chế tối đa tai nạn lao động.
Đồng thời bày tỏ mong muốn, các cơ quan ban ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa, hỗ trợ thêm cả về chính sách và tài chính cho các doanh nghiệp. Từ đó doanh nghiệp có điều kiện nhiều hơn nữa để bảo đảm an toàn, vệ sinh tốt nhất cho người lao động, từ đó người lao động sẽ yên tâm lao động sản xuất và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Ngoài những giải pháp trên, Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố Nguyễn Phi Thường cho rằng, người lao động cũng cần chủ động, tích cực, tự giác thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động, trang bị kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình; trau dồi, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề, ý thức kỷ luật trong lao động.
Các cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, doanh nghiệp định kỳ gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại với công nhân, giải quyết kịp thời những vấn đề công nhân quan tâm. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao.
Diệu Anh