Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết: Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát

11/01/2022 1:03 PM

(Chinhphu.vn) - Tình trạng mất an toàn thực phẩm luôn khiến người tiêu dùng lo lắng, nhất là vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao. Chính vì vậy, việc ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết đang và sẽ được các lực lượng chức năng Hà Nội đẩy mạnh.

Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết: Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng và lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại siêu thị Vinmart. Ảnh: Thùy Linh

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm quận Thanh Xuân, Hà Nội, trên địa bàn có 2.989 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Toàn quận đã thành lập 13 đoàn kiểm tra liên ngành và giám sát an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2022. Qua kiểm tra 102 cơ sở, đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 7 trường hợp kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, sử dụng lao động tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nhưng không có đồ bảo hộ lao động… với số tiền 11 triệu đồng, tiêu hủy lượng hàng hóa trị giá 19 triệu đồng.

Còn tại quận Bắc Từ Liêm hiện có 6.125 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, từ Tết Dương lịch đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 262 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, xử phạt 5 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với số tiền 7,5 triệu đồng.

Theo lãnh đạo 2 quận Thanh Xuân và Bắc Từ Liêm, hiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị y tế đang tập trung nhân lực cho công tác phòng chống dịch nên thiếu nhân lực kiểm tra an toàn thực phẩm. Trong khi đó, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp. Để qua mắt lực lượng chức năng các đối tượng buôn bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu thường hoạt động vào ban đêm, thường xuyên thay đổi tuyến đường vận chuyển, thời gian, địa điểm tập kết hàng hóa nên việc phát hiện, bắt giữ gặp nhiều khó khăn.

Tại buổi kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nhâm Dần tại quận Thanh Xuân và Bắc Từ Liêm mới đây, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 3 vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố cũng đã yêu cầu, lực lượng chức năng 2 quận Thanh Xuân và Bắc Từ Liêm từ nay đến Tết Nhâm Dần tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao, các cơ sở kinh doanh tại chợ, siêu thị; kiểm tra liên ngành từ cấp quận đến phường, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định.

Ngoài việc kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết, còn tập trung vào việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Về phía Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tăng cường vệ sinh, khử khuẩn định kỳ. Các đơn vị bố trí bộ phận đo thân nhiệt, đặt dung dịch rửa tay sát khuẩn ở vị trí thuận tiện, hướng dẫn khách hàng ra, vào mua sắm đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn; từ chối phục vụ các khách hàng không đeo khẩu trang. Những cơ sở không tuân thủ các biện pháp phòng dịch sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 5329/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân năm 2022. Theo đó, từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 15/3/2022, cơ quan chức năng Thành phố sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội Xuân 2022. UBND Thành phố thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội làm Trưởng đoàn.

Các đoàn của Thành phố tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, cấp xã thực hiện thanh tra, kiểm tra.

Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết Nhâm Dần và các lễ hội như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Thùy Linh

Top