Bảo đảm ATTP cần vào cuộc quyết liệt hơn

12/04/2017 5:45 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc Bảo vệ thực vật, chất bảo quản thực phẩm đã giảm so với thời gian trước nhưng để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), các sở, ngành, địa phương cần phải xử lý và vào cuộc quyết liệt hơn.

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch "Tháng hành động vì ATTP" năm 2017 (gọi tắt là Tháng hành động) và đánh giá Phong trào thi đua ATTP trên địa bàn Thành phố, chương trình diễn ra vào ngày 12/4.

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung đã phát động hưởng ứng "Tháng hành động" năm 2017. Theo đó, chương trình sẽ bắt đầu từ 10/4 đến 16/4/2017 trên địa bàn toàn Thành phố. Đây là đợt cao điểm phát động chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng ATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn. 

Để đạt được hiệu quả cao, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân để nhận biết và tuân thủ pháp luật về ATTP, từng bước hạn chế những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn mà thực phẩm rượu, rau, thịt, thủy sản không an toàn có thể mang đến. Đồng thời kiểm tra, đánh giá việc triển khai Tháng hành động của các sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm.

Hưởng ứng phong trào thi đua ATTP trên địa bàn Thành phố, trong thời gian vừa qua, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phùng Minh Sơn cho biết, toàn Thành phố đã ban hành 135 văn bản chỉ đạo và triển khai công tác bảo đảm ATTP năm 2016 và giai đoạn 2016-2020. Các Sở, ban, ngành đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo xây dựng mô hình điểm về ATTP như: Mô hình cửa hàng thực phẩm an toàn, vùng sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, tuyến phố văn minh... Có thể thấy sau một năm triển khai, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, được cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quan tâm thực hiện. Từ đó đã hình thành các mô hình điểm, có hiệu quả, là tiền đề để nhân rộng trong những năm tiếp theo. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong thực phẩm giảm 10% so với đầu năm, 100% cán bộ làm công tác ATTP các cấp được tập huấn, cập nhật kiến thức về ATTP, 100% các vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến nguồn gốc nông sản được điều tra, xử lý kịp thời..

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua ATTP tại một số sở, ngành, địa phương, đơn vị chưa quyết liệt, chưa có giải pháp đồng bộ và chưa xây dựng được mô hình điểm về ATTP. Đồng thời, việc quản lý và xử lý các vi phạm ATTP ở tuyến xã, phường, thị trấn chưa được hiệu quả. Công tác tuyên truyền thực hiện chưa thường xuyên, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Vì vậy việc sản xuất, chế biến thực phẩm tại nhiều cơ sở chưa bảo đảm quy định, người tiêu dùng chưa nhận thức rõ tác hại của thực phẩm không an toàn.

Trước vấn đề này, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm ATTP trong thời gian vừa qua. Việc phát hiện, khen thưởng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua ATTP cần được tăng cường. Chú trọng khen thưởng đột xuất, khen đơn vị, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn và cá nhân phát hiện cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm ATTP.

Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để công tác bảo đảm ATTP đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, nhất là với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh thực phẩm; thông tin kịp thời trên phương tiện truyền thông tên các cơ sở cung cấp sản phẩm bảo đảm an toàn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn... Cũng như cơ sở vi phạm cho người dân biết, chọn lựa, theo dõi và nắm bắt.

Tú Mai

Top