Bảo đảm cấp nước sạch cho người dân Hà Nội: Đích đến của phát triển bền vững

23/05/2025 10:53 AM

(Chinhphu.vn) - Nước sạch là yếu tố thiết yếu trong đời sống hằng ngày và là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững. Tại Thủ đô Hà Nội, nơi đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh chóng, việc bảo đảm cung cấp nước sạch cho toàn bộ người dân – đặc biệt ở khu vực ngoại thành – không chỉ là vấn đề hạ tầng kỹ thuật mà còn là yêu cầu về an sinh xã hội, công bằng tiếp cận và nâng cao chất lượng sống.

Khoảng 76% người dân tại khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch

Trong những năm gần đây, chính quyền thành phố đã và đang triển khai hàng loạt chính sách, chương trình và dự án nhằm đưa nước sạch đến với mọi người dân. Theo thống kê mới nhất từ Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến tháng 5/2025, 100% dân số khu vực đô thị Thủ đô đã được tiếp cận nguồn nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Tại khu vực nông thôn, khoảng 76% người dân tại 315/413 xã (tương đương hơn 1,1 triệu người) cũng đã được sử dụng nước sạch.

Bảo đảm cấp nước sạch cho người dân Hà Nội: Đích đến của phát triển bền vững- Ảnh 1.

TP. Hà Nội phấn đấu 100% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung vào cuối năm 2025. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Mặc dù đây là những con số rất tích cực so với những năm trước, vẫn còn khoảng gần 100 xã ở khu vực ngoại thành chưa được đấu nối hệ thống cấp nước sạch tập trung. Thực tế tại các huyện như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì cho thấy nhiều hộ dân vẫn đang sử dụng nước giếng khoan, nước mưa – những nguồn có nguy cơ ô nhiễm cao.

Việc sử dụng nước từ các nguồn không kiểm soát tiềm ẩn nhiều rủi ro như nhiễm asen, amoni, vi sinh vật gây bệnh… đặc biệt ở các vùng có tầng nước ngầm ô nhiễm hoặc khai thác quá mức. Bên cạnh đó, tình trạng cấp nước chưa đồng đều không chỉ tạo ra sự chênh lệch về chất lượng sống mà còn ảnh hưởng đến các chỉ tiêu phát triển bền vững của thành phố. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, việc bảo đảm cấp nước ổn định trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trước tình hình trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025: 100% người dân, bao gồm cả khu vực nông thôn, được tiếp cận nước sạch.

Trong Kế hoạch số 125/KH-UBND ban hành tháng 4/2024, thành phố yêu cầu tất cả doanh nghiệp cấp nước và các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nước; lập phương án điều phối nguồn nước; duy trì công suất tối đa tại các nhà máy nước và giảm thiểu sự cố trong mùa hè.

Các nhà máy nước quy mô lớn như: Nhà máy nước mặt sông Đà: nâng công suất lên 600.000 m³/ngày đêm (giai đoạn 2); Nhà máy nước mặt sông Hồng: vận hành giai đoạn 1 với công suất 150.000 m³/ngày đêm; Nhà máy nước sông Đuống: tiếp tục là trụ cột cung ứng cho khu vực phía Đông và Đông Bắc thành phố.

Cùng với đó, thành phố đang xây dựng các tuyến ống liên kết giữa các nhà máy để bảo đảm linh hoạt điều phối nguồn cấp và ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố cục bộ.

Bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2025-2030

Mới đây, ngày 21/5, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030.

Theo Quyết định, UBND TP. Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo gồm: Đồng chí Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội làm Trưởng ban;

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm Phó Trưởng ban và các thành viên là Đồng chí Giám đốc: Công an Thành phố, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Y tế, Sở Công thương;

Chủ tịch, Tổng Giám đốc các đơn vị cấp nước: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, Công ty cổ phần Viwaco, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ đôn đốc và phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn cho toàn bộ hệ thống cấp nước tập trung khu vực đô thị và nông thôn;

Xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2025-2030; đánh giá kết quả triển khai thực hiện công tác chống thất thoát nước sạch trong thời gian qua và xây dựng kế hoạch chống thất thoát nước sạch giai đoạn 2025-2030;

Đồng thời, chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã (sau này là UBND các phường, xã) triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Lê Văn Du, Trưởng phòng hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tại 67 xã thì còn khoảng độ 59.000 hộ dân khu vực nông thôn, đặc biệt là những xã nằm ở cuối hệ thống cấp nước. Với tinh thần quyết tâm của các đơn vị thì hy vọng từ nay đến cuối năm, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng như là Chương trình 04 của Thành ủy đạt 100% các xã được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung.

Cùng với việc mở rộng mạng lưới cấp nước, thành phố cũng đang chỉ đạo tăng nguồn cung cấp nước sạch để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Theo đó, ngay mùa hè này hoàn thành giai đoạn hai nâng công suất nhà máy nước sông Đà lên gấp đôi, đạt 600.000 m³/ngày đêm. Nhà máy nước sông Hồng giai đoạn một công suất 150.000 m³/ngày đêm đến cuối năm nay cũng sẽ hoàn thành.

Hiện Sở Xây dựng Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị cấp nước triển khai dự án đầu tư tới những khu vực này, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến cuối năm nay, 100% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung theo Nghị quyết HĐND thành phố Hà Nội.

Tăng tốc các dự án nước sạch: Hướng tới mục tiêu bao phủ toàn diện trong năm 2025

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội đang đẩy nhanh công tác triển khai các dự án nước sạch, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, trong đó có huyện Thường Tín đang nỗ lực thực hiện dự án nước sạch, bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch cho người dân khu vực này.

Ông Nguyễn Hồng Đức, cán bộ Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, công ty cùng phòng ban và 5 xã của huyện Thường Tín đã và đang triển khai dự án với hạng mục lắp ống cấp nước và đồng hồ vào các gia đình rồi hoàn trả mặt ngõ, thời gian hoàn thành 120 ngày. Đến nay các hạng mục của dự án đã hoàn thành thi công theo hồ sơ thiết kế và cấp nước cho 13.700/14.270 hộ, đạt hơn 96%.

Ông Nguyễn Hồng Đức cho biết, hiện nay mức tiêu thụ nước chưa cao chủ yếu nằm ở khu vực đang chồng lấn phạm vi cấp nước thuộc 3 thôn: Đan Nhiễm, Liễu Nội, Liễu Ngoại, xã Khánh Hà và thôn Phúc Am, xã Duyên Thái. Do khu vực nêu trên vẫn tồn tại 2 nguồn cấp nước từ Công ty TNHH Nhất Phát và Công ty TNHH giao thông Hồng Hà cấp nước.

"Với mục tiêu hướng tới việc 100% người dân toàn huyện được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch tập trung của Thành phố và phát huy hiệu quả đầu tư, Công ty Nước sạch Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng sớm có ý kiến về việc vận hành hoạt động của các trạm, nhà máy cấp nước chồng chéo như nêu trên", ông Đức bày tỏ.

Trong số 5 xã thực hiện dự án cấp nước sạch ở giai đoạn 1, đến nay đã lắp đặt đồng hồ và cấp nước cho hơn 13.700 hộ, trong đó xã Duyên Thái đạt 3.178/3.199 hộ đăng ký cấp nước sạch, xã Ninh Sở đạt 3.334/3.405 hộ đăng ký cấp nước… Hiện nay, các hộ còn lại sau khi hoàn thiện hồ sơ sẽ triển khai lắp đặt nốt đồng hồ để cấp nước sạch.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà chia sẻ, ngõ khu vực nhà ông khá chật, thi công rất vất vả, nhưng từ hôm doanh nghiệp triển khai dự án để cấp nước sạch, người dân đi lại bình thường bởi khi đào đường, dọn phế thải xây dựng, dải ống nước, hoàn trả mặt đường triển khai nhanh gọn, giúp thuận tiện đi lại vào giờ cao điểm.

Ông Hoàng cho biết thêm, dự án lắp đặt mạng lưới ống cấp nước sạch đã và đang giúp người dân có nguồn nước sinh hoạt bảo đảm chất lượng theo quy định. Từ nay người dân địa phương không còn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan và nước mưa không bảo đảm chất lượng nữa. Giờ có nước sạch, gia đình ông yên tâm hơn về sức khỏe.

Giống như huyện Thường Tín, huyện Thanh Oai cũng đang đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch. Điển hình là dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 11 xã, với tổng vốn đầu tư khoảng 358 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần Viwaco làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm xây dựng các tuyến ống truyền dẫn và hai trạm bơm tăng áp, nhằm cung cấp nước sạch cho các xã chưa có hệ thống cấp nước và thay thế nguồn nước ngầm hiện tại. Dự kiến hoàn thành trong năm 2025, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tại huyện Chương Mỹ, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã hoàn thành xây dựng tuyến ống dẫn nước từ Nhà máy nước sông Đà, cung cấp nước cho gần 14.000 hộ dân tại các thị trấn và xã trong huyện. Năm 2024 hoàn thành mạng lưới cấp nước cho 12 xã phía Tây Nam huyện. Trong năm 2025 sẽ lắp đặt đồng hồ cấp nước cho các xã còn lại.

Tại huyện Mỹ Đức, Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam đang xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 20 xã. Công ty TNHH Nước sạch Đại Nghĩa tiếp tục hoàn thiện nhà máy để cấp nước cho thị trấn Đại Nghĩa. Đến nay, tiến độ thi công mạng lưới cấp nước cho bốn xã gồm Đốc Tín, Hùng Tiến, Vạn Kim và Đại Hưng đang được đẩy nhanh; dự kiến hoàn thành trong quý II năm nay.

Tại huyện Phúc Thọ, đầu tháng 6/2024, 9 xã trong huyện đã khởi công xây dựng hệ thống ống cấp nước sạch. Dự kiến 54 xã trên toàn thành phố sẽ được đầu tư cấp nước sạch, hướng tới mục tiêu 100% xã được cấp nước vào năm 2025.

Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc đảm bảo cung cấp nước sạch cho toàn bộ người dân, đặc biệt tại các khu vực nông thôn và ngoại thành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.

Giải pháp bảo đảm cấp nước sạch bền vững và ổn định

Để bảo đảm cấp nước sạch bền vững và ổn định cho người dân, tiến tới mục tiêu 100% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó, mở rộng và nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung: Nâng công suất các nhà máy nước lớn như sông Đà, sông Hồng, sông Đuống; xây dựng thêm tuyến ống truyền dẫn và phân phối; hoàn thiện mạng lưới cấp nước liên kết giữa các vùng để đảm bảo cấp nước ổn định và linh hoạt.

Phát triển mô hình cấp nước bán tập trung tại khu vực xa trung tâm: Ứng dụng công nghệ lọc hiện đại, quy mô nhỏ, dễ vận hành và kiểm soát chất lượng, phù hợp với địa bàn dân cư thưa thớt. Mô hình này đã được triển khai hiệu quả tại Sóc Sơn và Chương Mỹ, chi phí vận hành hợp lý và dễ dàng kiểm soát chất lượng.

Thành phố đang tích cực áp dụng công nghệ IoT, hệ thống SCADA vào giám sát hoạt động cấp nước. Điều này giúp phát hiện sớm rò rỉ, thất thoát nước (hiện còn 15–20% tại một số tuyến ống cũ). Ngoài ra, bản đồ cấp nước điện tử cũng đang được số hóa, tích hợp dữ liệu từ các sở, ngành, giúp lập quy hoạch, kiểm tra nhanh chóng và minh bạch.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát chất lượng nguồn nước. Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đang phối hợp với các công ty cấp nước kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng nước đầu vào và sau xử lý; thiết lập mạng lưới quan trắc tại các con sông lớn, đồng thời xử lý dứt điểm các cơ sở xả thải trái phép ảnh hưởng đến nguồn nước mặt, nước ngầm.

Hà Nội cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng. Tổ chức các cuộc truyền thông giúp thay đổi hành vi sử dụng nước tiết kiệm và hình thành văn hóa bảo vệ nguồn nước.

Đồng thời, chủ động ứng phó với tình huống khẩn cấp. UBND các quận, huyện được yêu cầu xây dựng kế hoạch dự phòng trong mùa nắng nóng hoặc thiên tai: bố trí bể chứa, xe bồn cấp nước lưu động và kết nối các tuyến cấp thay thế giữa các khu vực có nguy cơ mất nước.

Việc bảo đảm cấp nước sạch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của Hà Nội trong tiến trình phát triển bền vững. Từ việc hoàn thiện quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, cho đến nâng cao nhận thức cộng đồng và giám sát chất lượng, thành phố đang thể hiện quyết tâm đưa nước sạch đến với mọi người dân. Mục tiêu 100% dân cư toàn thành phố được tiếp cận nguồn nước sạch vào cuối năm 2025 không chỉ mang ý nghĩa hạ tầng mà còn là minh chứng cho sự phát triển toàn diện, công bằng và bền vững của Thủ đô trong thời kỳ mới.

Thùy Chi

Top