Bảo đảm hành lang an toàn lưới điện cao áp trong xây dựng các công trình

14/11/2023 4:54 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 14/11, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị phối hợp triển khai công tác bảo đảm hành lang an toàn lưới điện cao áp trong quá trình thi công, xây dựng các dự án, công trình năm 2023.

Bảo đảm hành lang an toàn lưới điện cao áp trong xây dựng các công trình- Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị phối hợp triển khai công tác bảo đảm hành lang an toàn lưới điện cao áp trong quá trình thi công, xây dựng các dự án, công trình năm 2023. Ảnh: VGP/TL

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đã được pháp luật về điện lực quy định, gồm: Trách nhiệm bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện, trách nhiệm phối hợp thực hiện khi xây dựng, cải tạo công trình điện lực và các công trình khác.

Theo các quy định hiện hành, hệ thống các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, các chế tài xử lý cũng được điều chỉnh theo hướng ngày càng nghiêm khắc; trách nhiệm phối hợp của các tổ chức, cá nhân liên quan cũng được UBND TP. Hà Nội ban hành rất cụ thể. Các sở, ngành thành phố, các đơn vị điện lực cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền kiểm tra, cảnh báo nhằm ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra.

Tuy nhiên, thông tin từ Công ty Truyền tải điện Hà Nội cho thấy, để bảo đảm cho phát triển của Thủ đô, hiện Hà Nội có 47 tuyến đường dây 220 kV, 500kV với tổng chiều dài hơn 1.159km. Hiện trên địa bàn Thủ đô có 25 điểm công trình giao chéo đường dây đang vận hành mạng điện. Trong đó đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có 10 điểm, đường giao thông khác có 15 điểm đã và đang chuẩn bị thi công.

Trong quá trình triển khai thi công xây dựng các dự án, đã xuất hiện tình trạng chủ đầu tư, đơn vị thi công vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Cụ thể, xây dựng nhà điều hành trong hành lang đường dây 500kV, trước khi thi công không báo cho đơn vị quản lý vận hành biết để kiểm tra hiện trường và lập phương án thi công, biện pháp an toàn. Thi công trong hành lang bằng các phương tiện cơ giới gần và trong hành lang an toàn lưới điện cao áp gây sự cố phóng điện chập cháy gây mất điện trên diện rộng.

Để ngăn chặn tình trạng này, tại hội nghị các đại biểu có chung ý kiến, thời gian tới Sở Xây dựng, GTVT và Công an TP. Hà Nội cần giám sát chặt chẽ hoạt động xây dựng sau khi được cấp phép thi công với các dự án đầu tư trên địa bàn, không để vi phạm mới phát sinh. Riêng với UBND các quận, huyện phối hợp với ngành điện lực, kiểm tra giám sát việc bảo đảm an toàn của các chủ đầu tư đang thi công xây dựng trong hoặc gần hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện ngay việc thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo vệ an toàn khi thi công xây dựng. Công an và chính quyền địa phương có người dân thường xuyên thả diều như quận Hà Đông, huyện Hoài Đức, Thường Tín, Chương Mỹ, Thanh Trì... tăng cường ngăn chặn hành vi thả diều vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp 220kV-500kV.

"Riêng với ngành điện lực phối hợp với các chủ đầu tư dự án lập phương thức vận hành phù hợp (có thể cắt điện khi cần thiết), qua đó tạo điều kiện cho nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ, đồng thời ngăn chặn hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Đối với các chủ đầu tư cũng cần rà soát lại phương án, năng lực, kinh nghiệm thi công của nhà thầu, tổ chức tập huấn về an toàn điện cho cán bộ nhân viên tham gia dự án", Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện Hà Nội Đinh Thế Hùng kiến nghị.

Tại hội nghị, đại diện ngành điện, các Sở Công Thương, Công an Thành phố, GTVT, Xây dựng, UBND các quận huyện và chủ đầu tư đã ký kết biển bản ghi nhớ việc bảo đảm hành lang lưới điện cao áp trong quá trình thi công, xây dựng các dự án trên địa bàn Hà Nội.

Thùy Linh

Top