Bảo đảm không thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết

16/01/2022 11:33 AM

(Chinhphu.vn) - Việc ngành Công Thương TP. Hà Nội và doanh nghiệp tăng cường dự trữ hàng hóa, đẩy mạnh kết nối cung cầu với các tỉnh, thành trong cả nước, sẽ bảo đảm không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết Nhâm Dần.

Bảo đảm không thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết - Ảnh 1.

Giá cả các sản phẩm được điều chỉnh để bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Ảnh: Bích Phương

Theo Sở Công Thương, dự báo dịp Tết Nhâm Dần, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân Hà Nội sẽ tăng từ 3 - 20% theo từng nhóm hàng. Hiện Hà Nội mới tự sản xuất, cung ứng được 30 - 65% nhu cầu nông sản cho người dân Thủ đô, dự báo nguồn cung sẽ khó khăn trong dịp Tết sắp tới.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Bắc dẫn đến sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng. Trong khi đó một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gia cầm, thủy cầm, thủy hải sản hiện nay giá xuống quá thấp, trong khi giá thức ăn, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao nên người dân không mặn mà tái đàn, dự báo nguồn cung các sản phẩm này sẽ khó khăn trong dịp Tết.

“Hà Nội mong muốn các tỉnh, thành phối hợp để triển khai kế hoạch kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội phục vụ Tết Nhâm Dần sắp tới”, bà Lan nói.

Đến nay, đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã TP. Hà Nội đăng ký tham gia chương trình với tổng lượng hàng hóa các doanh nghiệp đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng (kế hoạch 5.600 tỷ đồng); đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán (123 siêu thị, 6.800 cửa hàng tiện lợi, 13.000 cửa hàng chuyên doanh, 1.900 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống, 500 bếp ăn tập thể).

Tuy đã lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng các doanh nghiệp thương mại đều có chung đánh giá, dịch COVID-19 khiến người tiêu có xu hướng tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu, chưa kể, nhiều hoạt động tập trung đông người, gặp gỡ, liên hoan sẽ bị hạn chế khi dịch diễn biến phức tạp sẽ khiến sức tiêu thụ sẽ không tăng.

Để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã kết nối với các địa phương: Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp… đưa nguồn hàng nông, lâm, thủy sản về Hà Nội tiêu thụ.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến Kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh thành do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa chia sẻ, Bắc Kạn là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản được người tiêu dùng Hà Nội biết đến. Thời điểm này, các hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh đang cấp tập lên đơn hàng trực tuyến nông sản cung ứng cho thị trường Hà Nội trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề.

“Hiện Bắc Kạn có 25.000 tấn cam, quýt và 2.000 tấn miến dong cần tiêu thụ, vì vậy tỉnh đang đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ với các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó trọng điểm là TP. Hà Nội và TPHCM”, bà Hoa cho biết.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hùng thông tin, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Lâm Đồng tồn hơn 1 triệu tấn rau củ, 12.000 tấn bơ, 20.000 tấn sầu riêng nên rất mong kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội trong dịp Tết Nhâm Dần.

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Hapro Đỗ Tuệ Tâm, để có đủ nguồn hàng phục vụ Tết, Hapro đã đẩy mạnh kết nối cung cầu với các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Đồng Tháp…qua đó khai thác, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền như miến dong, bún khô, mì gạo, mộc nhĩ, nấm hương…

Nhằm hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ, cung ứng hàng hóa cho TP. Hà Nội trong năm 2022 và Tết Nhâm Dần, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành trong lĩnh vực công thương năm 2022. Qua đó tạo điều kiện cho các tỉnh, thành đưa nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, về thị trường Hà Nội tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Bà Trần Thị Phương Lan thông tin thêm, về mặt bằng giá, các doanh nghiệp tham gia chương bình ổn trên địa bàn Thành phố đã cam kết giữ giá bán hàng hóa tiêu dùng thiết yêu ổn định trước, trong và sau Tết Nguyên đán, qua đó làm giảm nhịp sự tăng giá của thị trường. Ngoài ra, tại những khu vực đông công nhân, các doanh nghiệp sẽ tổ chức bán hàng lưu động, qua đó không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Bích Phương
Top