Bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn phục vụ Tết Nguyên đán

17/01/2024 7:48 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 17/1, Đoàn kiểm tra Bộ NN&PTNT đã làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội về nguồn cung bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn phục vụ Tết Nguyên đán- Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra tại HTX An Phát. Ảnh: VGP/TT.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông lâm thủy sản thiết yếu của thành phố Hà Nội là: Gạo khoảng 96.700 tấn/tháng, thịt lợn khoảng 19.500 tấn/tháng, thịt bò khoảng 5.350 tấn/tháng, thịt gà khoảng 6.500 tấn/tháng, trứng gia cầm khoảng 130 triệu quả/tháng, thủy sản khoảng 19.250 tấn/tháng, thực phẩm chế biến nông lâm thủy sản khoảng 5.350 tấn/tháng, rau củ khoảng 107.500 tấn/tháng, trái cây khoảng 56.000 tấn/tháng. 

Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm, các nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 20-70%. Bên cạnh đó, lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện rà soát, thống kê lại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó đã lập danh sách trên 17.410 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng thường xuyên đôn đốc các quận, huyện, thị xã tích cực tuyên truyền, tập huấn và tổ chức ký cam kết được 173.575/183.095 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đạt 94,8% và 100% cơ sở sơ chế, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ (thuộc cấp quận, huyện quản lý). 

Năm 2023, Chi cục đã lấy 2.405 mẫu giám sát nông lâm thủy sản, trong đó có trên 2.300 mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các chỉ tiêu phân tích (chiếm 96,05%), 95 mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm (chiếm 3,95%). Theo đó, với những mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và yêu cầu khắc phục tại các cơ sở có mẫu vi phạm.

Bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn phục vụ Tết Nguyên đán- Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra Bộ NN&PTNT làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội. Ảnh: VGP/TT.

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, về cơ bản nguồn cung nông lâm thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn Thành phố ổn định và không lo thiếu. Tuy nhiên, các sở ngành và chính quyền địa phương cần theo dõi sát và thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, thời tiết… Qua đó, có những đánh giá năng lực cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác để có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, lấy mẫu, giám sát, hậu kiểm tự công bố việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các tố chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm sản, thủy sản.

Bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn phục vụ Tết Nguyên đán- Ảnh 3.

Kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm thuộc chuỗi Sói Biển, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: VGP/TT.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến, chất lượng và phát triển thị trường Ngô Hồng Phong đã đánh giá cao công tác quản lý an toàn thực phẩm của Hà Nội, nhất là việc phối hợp với các tỉnh, thành phố có lượng sản phẩm lớn đưa về Thủ đô tiêu thụ để hình thành các chuỗi cung ứng.

Theo ông Ngô Hồng Phong, để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi bảo đảm truy xuất nguồn gốc; mã cơ sở đóng gói, nhãn mác hàng nông sản. Nhân rộng các chuỗi cung ứng ngành hàng, chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy suất nguồn gốc.

Tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, chủ động đánh giá, cung cấp kịp thời thông tin an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang; hướng dẫn người tiêu dùng biết cách lựa chọn sản phẩm an toàn…

Trong sáng cùng ngày, Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra thực tế tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (huyện Thanh Trì); cơ sở giết mổ gia cầm tại Công ty TNHH Green Chicken (huyện Thường Tín) và cửa hàng kinh doanh thực phẩm thuộc chuỗi Sói Biển, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm).

Thiện Tâm

Top