Bảo đảm nguồn cung nông sản dịp cuối năm
(Chinhphu.vn) - Cùng với lợi thế nông nghiệp của Thủ đô, thời gian qua Hà Nội cũng đã tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố để bảo đảm nguồn cung nông, lâm thủy sản an toàn phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp cuối năm.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, hiện nay Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, trong đó có 53 chuỗi sản phầm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Đồng thời khuyến khích hỗ trợ triển khai 58 mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGAP, 49 mô hình áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS), hỗ trợ được 115 cơ sở xây dựng, áp dụng và được cấp chứng nhận HACCP…
Thành phố Hà Nội đã được cấp 14 mã số vùng trồng cây ăn quả, rau và 4 cơ sở đóng gói với công suất từ 30-50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu, trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối, 1 mã số vùng trồng nhãn, 4 mã số vùng trồng bưởi và 1 mã số vùng trồng rau. Bên cạnh đó, Thành phố cũng phát triển nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như hơn 7.000 ha lúa Japonica; 3.200 ha chuối tiêu hồng; trên 5.000 ha rau an toàn; 50 ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu…
Hiện nay, trung bình mỗi tháng nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng hóa thiết yếu của Hà Nội là: Gạo 96.700 tấn, thịt lợn 19.300 tấn, thịt bò 5.350 tấn, thịt gà 6.400 tấn, thủy sản 19.250 tấn, trứng gia cầm 129 triệu quả. Bên cạnh đó, người dân Hà Nội cũng tiêu thụ trung bình mỗi tháng khoảng 5.350 tấn thực phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản, 107.500 tấn rau, củ và 56.000 tấn trái cây. Nhưng với diện tích đất nông nghiệp hơn 189.000ha, sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất được hiện nay mới đáp ứng 35-70% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.
Vì vậy, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường cuối năm, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng cây trồng vụ đông. Đồng thời hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước để xây dựng, duy trì, phát triển 977 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn. Trong đó, một số tỉnh cung ứng về Hà Nội như: Hòa Bình cung ứng hơn 1.600 tấn cá sông Đà, hơn 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng hơn 19.000 tấn rau, củ, quả; Công ty WinEco Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp cho hệ thống siêu thị tại Hà Nội hơn 2.000 tấn rau, củ. Với tỉnh Hà Nam: Công ty Masan chi nhánh Hà Nam cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội hơn 1.000 tấn thịt lợn, Công ty Mavin cung cấp trên 700 tấn xúc xích cho Hà Nội; tỉnh Lâm Đồng cung cấp 7-10% sản lượng rau cho Hà Nội với hơn 66.000 tấn; tỉnh Đắk Lắk cung cấp hơn 3.000 tấn trái cây…
Chất lượng của các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn đã đáp ứng đầy đủ quy trình quản lý chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu thụ qua các bếp ăn tập thể, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích…
Tết dương lịch và Tết âm lịch đang cận kề, nên ngành nông nghiệp Thủ đô đã tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm, phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm sản xuất, chủ động cao nhất nguồn hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân Thủ đô. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tiếp tục duy trì phối hợp với Sở Công Thương trong việc theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn Hà Nội để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Cùng với đó là đẩy mạnh giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ.
Thiện Tâm