Bảo đảm trật tự an toàn xã hội khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị

07/09/2021 6:09 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Hướng dẫn số 205 về thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội khi thi hành Nghị quyết số 97/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố yêu cầu UBND quận, thị xã tổ chức thực hiện 8 nhiệm vụ.

Ảnh minh họa

Trong đó, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh; tham gia xây dựng lực lượng công an nhân dân; xây dựng, tăng cường tiềm lực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật...

Thực hiện trách nhiệm theo quy định và chỉ đạo Hội đồng nghĩa vụ quân sự, UBND phường, các ban, ngành liên quan thực hiện tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đúng quy định, bảo đảm đủ chỉ tiêu, chất lượng tuyển chọn; tiếp nhận và tạo điều kiện giải quyết việc làm đối với chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ...

Đối với UBND phường tổ chức thực hiện 10 nhiệm vụ. Trong đó, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết của HĐND, UBND thành phố, quận, thị xã, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về bảo đảm an ninh, trật tự và các biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự.

Tham mưu, đề xuất UBND quận, thị xã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn phường thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của UBND quận, thị xã. Trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm được giao duy trì hoạt động và thực hiện chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở; chủ trì hoặc phối hợp xây dựng, quản lý, bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

UBND phường chấp hành việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trên địa bàn; sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự…

Hướng dẫn cũng cụ thể hóa mối quan hệ giữa UBND quận, thị xã với Công an thành phố; mối quan hệ giữa UBND phường với Công an quận, thị xã. Công an thành phố Hà Nội có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khi triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Trước đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô ban hành Hướng dẫn về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ.

Theo đó, Công an Thành phố hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành, phối hợp với UBND quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn quận, thị xã, trên địa bàn các phường theo quy định tại Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Sở Nội vụ ban hành Hướng dẫn về việc chuyển Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Công chức cấp xã ở phường thành công chức do UBND quận, thị xã quản lý.

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019, về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Để triển khai hiệu quả, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31/12/2019 về thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội; ngày 29/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Trong đó, có nhiều quy định phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị...

Vĩnh Hoàng

Top