Bảo đảm y tế thông suốt, chủ động các phương án ứng phó cơn bão số 3
(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm công tác khám chữa bệnh được thông suốt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các đơn vị y tế trên địa bàn Hà Nội đã chủ động xây dựng các phương án, điều kiện tốt nhất đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân.

Bệnh viện đa khoa Vân Đình gia cố hệ thống cửa sổ, cửa ra vào tại các buồng bệnh, khoa phòng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Tại Bệnh viện đa khoa Vân Đình, Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Huy Thông cho biết, bệnh viện đã xây dựng các phương án sẵn sàng nhân lực phục vụ công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, tăng cường chuẩn bị vật tư, thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời công tác thường trực chuyên môn 24/24 giờ tại đơn vị, đảm bảo duy trì tốt hoạt động khám, chữa bệnh, sẵng sàng tiếp nhận cấp cứu cho người bệnh và nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa tại đơn vị.
Bệnh viện đã chủ động triển khai đồng loạt nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa nhất ảnh hưởng của cơn bão số 3 đối với hoạt động chuyên môn tại bệnh viện, chỉ đạo các khoa, phòng theo dõi sát sao tình hình thời tiết, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo khả năng xử lý kịp thời trong mọi tình huống.
Đồng thời, tiến hành kiểm tra toàn diện cơ sở vật chất, từ hệ thống cửa sổ, cửa ra vào đến hệ thống điện, cáp truyền và các phòng bệnh, phòng làm việc để gia cố kịp thời tránh nguy cơ như bay tốc mái, đổ tường, ngập úng do hệ thống thoát nước quá tải...
Dự trữ đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, cùng với các phương tiện thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai, bố trí đội ngũ y, bác sĩ trực cấp cứu 24/24 giờ và các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết, đảm bảo mọi tình huống đều được xử lý kịp thời, hiệu quả.

Bệnh viện đa khoa Mê Linh chủ động ứng phó do ảnh hưởng của bão số 3 đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân.
Tại Bệnh viện đa khoa Mê Linh, để chủ động ứng phó do ảnh hưởng của bão số 3, bệnh viện đã gia cố các cửa của các khoa phòng đảm bảo chắc chắn; tổ chức cắt các cây to xung quanh bệnh viện tránh đổ gãy thiệt hại về người và của.
Bệnh viện đã chủ động lên kế hoạch, phương án cụ thể trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của cơn bão, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, theo dõi diễn biến thời tiết, bão số 3 và hoàn lưu sau bão; bố trí các kíp trực, đội phòng chống bão, đội xe và đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn khi có yêu cầu; thực hiện thu dung, cấp cứu và điều trị cho nạn nhân do mưa bão gây ra, các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ khi có lệnh điều động.
Đối với khoa Cấp cứu tăng cường cấp cứu thường trực tại khoa 24/24 trong suốt thời gian bão số 3 diễn ra, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho người bệnh gặp phải tai nạn hoặc tình trạng khẩn cấp.
Bệnh viện cũng đã dự trù, đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư và thiết bị y tế, đặc biệt đảm bảo trong các tình huống cấp cứu nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe của người bệnh.
Các khoa, phòng tăng cường kiểm tra hệ thống điện, hệ thống cấp và thoát nước, phòng chống cháy nổ, kịp thời khắc phục sửa chữa những bộ phận xuống cấp có nguy cơ hư hỏng để đảm bảo nguồn điện cho các thiết bị y tế quan trọng như máy thở, máy hồi sức và hệ thống theo dõi người bệnh không bị gián đoạn; chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các nguồn dự trữ thực phẩm, nước sinh hoạt đảm bảo duy trì hoạt động trong toàn bệnh viện. Đảm bảo các phương tiện vận chuyển người bệnh khẩn cấp luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.

Bệnh viện đa khoa Đức Giang đảm bảo các hoạt động chuyên môn, khám và điều trị cho người bệnh tại bệnh viện 24/24h. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Văn Thường cho biết, bệnh viện đã ban hành và triển khai kế hoạch 1357/KH-BVĐKĐG về triển khai công tác phòng chống ứng phó cơn bão số 3 với phương châm "4 tại chỗ" gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Bệnh viện phân công cán bộ y tế luôn sẵn sàng cấp cứu, vận chuyển nạn nhân và hướng dẫn, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; kiểm tra toàn diện hệ thống cơ sở vật chất, phòng tránh tốc mái, ngập úng, mất điện; đảm bảo các hoạt động chuyên môn, khám và điều trị cho người bệnh tại bệnh viện 24/24h.
Sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu, thực hiện thu dung, cấp cứu và điều trị cho nạn nhân do mưa bão gây ra; bố trí các kíp trực, đội phòng chống bão, đội xe và đội cấp cứu ngoại viện luôn theo dõi diễn biến thời tiết, bão số 3 và hoàn lưu sau bão, sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu 24/24 các cơ quan, hỗ trợ cho đơn vị tuyến dưới và nhân dân trên địa bàn khi có yêu cầu hoặc khi có lệnh điều động...

CDC Hà Nội thành lập 8 đội cơ động để kịp thời hỗ trợ các xã, phường phòng chống dịch bệnh, xử lý các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng đã xây dựng các phương án chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão.
Trung tâm đã thành lập 8 đội cơ động nhằm kịp thời hỗ trợ các xã, phường trong công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Đặc biệt, trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân chủ động phòng chống dịch bệnh như biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ; cách xử lý nguồn nước sinh hoạt; cách nhận biết và phòng tránh một số bệnh hay gặp và một số dịch bệnh có thể bùng phát sau bão lũ, giúp người dân chủ động trong phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, các bác sĩ khuyến cáo người dân lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý xác động vật, gia cầm theo hướng dẫn của nhân viên y tế; trường hợp các nguồn cấp nước như giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi... Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Thiện Tâm