Báo động lũ trên sông lớn, các quận huyện tổng lực ứng phó khắc phục thiên tai
(Chinhphu.vn) - Ban chỉ huy Phòng chống thương tích và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội vừa lệnh báo động 1 trên sông Hồng khu vực các xã ven đê tại Thường Tín, Phú Xuyên. Bên cạnh đó, các sông trên địa bàn Thành phố cũng đang dâng cao. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão, ngập úng… phù hợp với tình hình thực tế.
Mực nước trên các sông đang dâng cao
Cụ thể, theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN Hà Nội, vào hồi 9h ngày 10/9 đã báo động 1 trên sông Hồng tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động 1.
Ngoài ra, tại các khu vực sông hồ khác, theo số liệu của Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, thì lượng mưa tại các điểm đo phổ biến từ 31mm đến 124,9mm, cao nhất là trạm Ba Thá (Ứng Hòa) 124,9mm, thấp nhất ở điểm đo Ba Vì 31mm.
Vào 7h ngày hôm nay, một số hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đang vận hành xả lũ: Hồ Hoà Bình mở 2 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt, hồ Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy, mực nước sông Hồng đang lên nhanh.
Mực nước tại một số sông và các trục tiêu lớn trên địa bàn Thành phố đang ở mức cao. Trong đó, mực nước trên sông Tích tại Kim Quan đạt báo động 3 từ 18h50'ngày 8/9, tại Vĩnh Phúc đạt báo động 3 từ 23h20' ngày 8/9; sông Bùi tại Yên Duyệt đạt báo động 3 từ 17h00' ngày 9/9; sông Cầu tại Lương Phúc đạt báo động 3 từ 22 h40' ngày 9/9; sông Cà Lồ tại Mạnh Tân đạt báo động 2 từ 20h20' ngày 9/9. Mực nước các hồ chứa nước chính trên địa bàn Thành phố đang ở mức cao, hầu hết hồ vượt ngưỡng tràn như: Suối Hai, Mèo Gù, Tân Xã, Ban Tiện, Kèo Cà, Đồng Quan, Quan Sơn, Văn Sơn,..
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ kết hợp áp cao lục địa tăng cường, từ sáng sớm nay đến sáng 12/9 thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 80 - 150mm, có nơi trên 250mm.
Tại huyện Chương Mỹ, mực nước sông Bùi đang trên báo động 3, mực nước lũ đã tràn đê Bùi 2 và đê hữu Bùi tại vị trí có cao trình thấp khoảng từ 10-40 cm các khu dân cư trong vùng đê bao bảo vệ bị ngập úng khi nước tràn qua đê và dâng cao như xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ. Các khu dân cư ở bãi dọc sông Bùi bị ngập khi nước đang dâng cao.
Tại huyện Quốc Oai, một số tuyến đường bị ngập như: Cầu Tân Phú, cầu Đại Thành ngập sâu 0,4m; đường tỉnh lộ 421B đoạn từ thôn Cấn Thượng đi Đông Yên ngập sâu 0,5 m… Hiện Tiểu ban đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo giao thông vẫn đang phân công lực lượng trực, chắn pano khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông, hướng dẫn nhân dân di chuyển cung đường an toàn.
Hiện huyện Quốc Oai có 5 xã bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ngập úng gồm: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Liệp Tuyết. Đối với xã Cấn Hữu do nước dâng xóm Ngoài Đê và xóm Minh Khai thôn Đĩnh Tú có 29 hộ, xóm Bến Vôi thôn Cấn Hạ có 24 hộ (230 nhân khẩu) nước đã ngập đến cổng và sân. Có 6 hộ của xóm Minh Khai nước ngập vào tầng hầm đã di chuyển lên tầng 2. Xã Tuyết Nghĩa nước sông Tích tràn vào qua tuyến Muôn - Minh Khai, Cổ Hiền - Độ Lân, đã gây ngập úng tầng hầm, bếp đối với 10 hộ dân (47 nhân khẩu). Thôn 2, xã Phú Cát có 8 hộ dân (35 nhân khẩu) bị nước dâng ngập đến mép đến sân nhà…
Khẩn trương vận hành các trạm bơm tiêu nước
Để khắc phục hậu quả sau bão, ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, ngay sau cơn bão, lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo khắc phục những hậu quả do cơn bão gây ra, di chuyển các cây xanh bị đổ, đảm bảo giao thông được thông suốt, các hoạt động của người dân được trở lại bình thường.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xử lý cây xanh bị đổ, gãy; rà soát các công trình xây dựng, chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ có nguy cơ mất an toàn, bị tốc mái để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn di dời người dân tới nơi ở an toàn khi bão đổ bộ.
Ngoài ra, Xí nghiệp Thủy lợi Quốc Oai chủ động vận hành liên tục 14 trạm bơm tiêu gồm: Thông Đạt, Vĩnh Phúc, Yên Sơn, Cấn Hạ, Đông Yên tiêu, Cộng Hoà, Cống Mẻn, Trại Ro, Đồng Mạ, Ba Tàu, Đìa Thẹ, Đìa Ma, Phú Sơn, Đồng Tran với 48 tổ máy.
Tiểu ban đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo giao thông xã Cấn Hữu, Đông Yên đã phân công lực lượng trực, chắn pano khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông, hướng dẫn nhân dân di chuyển sang cung đường an toàn.
Tại huyện Thạch Thất, tính đến 6h ngày 10/9, trên địa bàn xã Cần Kiệm sông Tích dâng làm ngập 27 hộ, với 90 nhân khẩu khu vực ngoài đê; xã Lại Thượng có 17 hộ với 67 nhân khẩu xóm Đò, xóm Bến thôn Lại Thượng bị ngập đường giao thông ngõ xóm. Các hộ dân đã chủ động kê kích tài sản, đồ đạc và khắc phục sinh hoạt, hiện tại chưa có hộ dân nào phải di dời…
Quận Ba Đình đã di dời 30 hộ (40 người) tại khu nhà trọ vùng trũng gần cầu Long Biên về nhà văn hóa phường Phúc Xá. Hiện nay quận đang tiếp tục vận động các hộ còn lại sơ tán đến nơi an toàn.
Thiện Tâm