Bảo tàng Chiến thắng B52-Nơi lưu giữ những ký ức hào hùng

19/12/2017 7:07 PM

(Chinhphu.vn) - 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân dân cả nước đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Đế quốc Mỹ. Sau 45 năm, khi chiến tranh đã lùi xa, những chứng tích, dấu ấn của cuộc chiến ấy vẫn được lưu giữ một cách sống động tại Bảo tàng Chiến thắng B52.

Bệ phóng tên lửa SAM 2- Tiểu đoàn 59-Trung đoàn 261 tên lửa phòng không sử dụng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay B52 đầu tiên trong cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội. Ảnh: Minh Nhung

Bảo tàng Chiến thắng B52 được khánh thành ngày 22/12/1997, với hai khu trưng bày, gồm khu trưng bày trong nhà khái quát về truyền thống của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” với nhiều hiện vật, tài liệu, các tác phẩm nghệ thuật, sa bàn tổng hợp diễn biến chiến đấu trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Khu trưng bày ngoài trời gồm có các loại vũ khí, khí tài của quân, dân Thủ đô Hà Nội trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; xác các máy bay B52 bị quân và dân Thủ đô bắn rơi trong 12 ngày đêm tháng 12/1972.

Để phục vụ khách thăm quan và tạo cơ hội cho nhiều người dân trong và ngoài nước được biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ trên không lẫy lừng của Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng B52 trong suốt những năm qua đã mở cửa tự do đón khách. Theo Giám đốc Bảo tàng, Thượng tá Phạm Ngọc Hạnh cho biết, lượng khách vào thăm quan trong năm nay tăng hơn năm ngoái, khoảng hàng vạn khách và thường năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt trong tháng12 năm nay lượng khách tăng đột biến, do đây là năm chẵn nên khách từ các tổ chức cơ quan, học sinh, cựu chiến binh… sẽ đến đông hơn. Bình thường Bảo tàng sẽ đóng cửa vào thứ hai và thứ sáu hàng tuần để vệ sinh và bảo đảm công tác thăm quan cho du khách. Nhưng bắt đầu từ thứ hai tuần sau Bảo tàng sẽ mở cửa kín tuần để phục vụ khách thăm quan, vì đây chính là thời điểm kỷ niệm 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Theo chia sẻ của Thượng tá Phạm Ngọc Hạnh, Bảo tàng Chiến thắng B52 là nơi nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".  Vì vậy, nơi đây luôn là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.

Chính cái tên Bảo tàng chiến thắng B52 đã nói lên một phần kỳ tích của quân và dân Thủ đô trong cuộc chiến chống không kích của quân đội Mỹ. Nét độc đáo cũng nằm ở ngay cái tên của Bảo tàng và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách đến thăm quan.

Xác máy bay B52 đã bị quân và dân Thủ đô bắn rơi trong cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam tháng 12/1972. Ảnh: Minh Nhung

“Vẫn còn đây những chứng tích chiến tranh”…

Đến thăm Bảo tàng, du khách sẽ được thăm quan các chứng tích, tư liệu… của sự kiện lịch sử này 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Qua giọng đọc trầm hùng của hướng dẫn viên cũng như phòng trưng bày có sa bàn tổng hợp với phim tài liệu, sa bàn địa lý, không gian cảnh đồ và lưới lửa phòng không Hà Nội cùng hệ thống âm thanh, tạo khói… du khách như được sống lại những ngày lịch sử chiến đấu của quân và dân ta. Nhất là với lớp học trò nhỏ, khi quá khứ càng lùi xa, việc ôn lại cho các em những chiến tích của cha anh xưa là vô cùng cần thiết, để các em sẽ thêm yêu Tổ quốc, đất nước mình.

Những gì Bảo tàng mang lại rất sống động và sâu sắc, dấu ấn và những khắc ghi của thế hệ học trò-mầm xanh của đất nước sẽ vượt qua ngoài trang sách nhà trường, các em sẽ như được sống, được chứng kiến những năm tháng hào hùng đã qua… Đó chính là niềm mong mỏi mà Bảo tàng luôn hướng đến. Chính vì vậy, trong gần một tháng qua (từ ngày 19/11 đến ngày 16/12), Bảo tàng đã thực hiện tổ chức triển lãm chuyên đề “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tới các quận, huyện ngoại thành của Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, để giúp cho các em học sinh, nhân dân biết đến và ghi dấu ấn sâu đậm hơn về cuộc chiến lẫy lừng mà cha anh chúng ta đã làm được.

Thượng tá Phạm Ngọc Hạnh cho biết, cách đây 45 năm, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân dân cả nước đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Đế quốc Mỹ vào Hà Nội, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, tạo bước chuyển quan trọng đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của Dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

Kỳ tích Điện Biên Phủ trên không đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay Bê gì đi chăng nữa chúng ta cũng đánh, mà đã đánh nhất định thắng”. Để chuẩn bị cho cuộc chiến chính nghĩa, những ngày giữa tháng 12/1972, Hà Nội đã khẩn trương chuẩn bị bước vào trận đấu. Chưa bao giờ Hà Nội lại có một khí thế chiến đấu mạnh mẽ đến vậy. Một nhà báo nước ngoài đã viết: “Ở Hà Nội những ngày cuối năm 1972, các anh có thể bước trên đầu các ngọn súng”.

Bằng đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, chúng ta đã xây dựng một thế trận phòng không nhân dân rộng khắp. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, với trí tuệ đặc biệt của dân tộc Việt Nam nói chung và quân dân Thủ đô nói riêng đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, toàn miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Riêng Thủ đô Hà Nội bắn rơi 30 máy bay các loại, trong đó có 23 máy bay B52. Và ngày nay, tại Bảo tàng Chiến thắng B52 vẫn còn lưu giữ xác máy bay B52 cũng như nhiều hiện vật mà cuộc chiến của Mỹ gây ra.

Theo Thượng tá Phạm Ngọc Hạnh, cuộc chiến nào qua đi cũng để lại những đau thương, mất mát, nhưng chính sự hi sinh quả cảm, quên mình của những người con Thủ đô đã làm nên chiến thắng vang dội cho một Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không. Tiêu biểu như người anh hùng Vũ Xuân Thiều- người lính Hà Nội đã anh dũng hi sinh ngay sau khi dùng chiếc máy bay của mình để làm quả tên lửa thiêu cháy máy bay B52 của địch. Anh ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ-27 tuổi. Anh chính là tấm gương tiêu biểu cho thanh niên Thủ đô trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà thế hệ hôm nay vẫn luôn ghi nhớ.

Một “Hà Nội mới” tràn đầy hoài niệm

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, sau chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, biết bao tấm lòng của bạn bè khắp nơi trên thế giới đã hướng về Việt Nam với con mắt cảm phục, Chủ tịch Phidel Castro đã phát biểu: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam là một trong những chiến công oanh liệt nhất, vĩ đại nhất của loài người”. Hay Melena, nhà thơ Hy Lạp đã ca ngợi Việt Nam bằng những vần thơ chân thực, đầy hình ảnh: “Ôi Việt Nam, đất nước của những căn nhà nhỏ/Của những con người mà tầm vóc không cao/Nhưng chiến công của họ/Thật hiển hách lớn lao”.

Ngày nay, khi chiến tranh đã qua đi, quá khứ khép lại, bên cạnh những chứng tích của 45 năm trước, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi mùa… vẫn có bao người lính từ cuộc chiến, từ những tầng lớp nhân dân, các em học trò nhỏ và cả những du khách nước ngoài đến thăm và ôn lại chiến tích xưa tại Bảo tàng Chiến thắng B52. Thượng tá Phạm Ngọc Hạnh cho biết, vượt qua hủy diệt, cuộc sống lại hồi sinh. Chiến thắng B52 lịch sử chứng minh sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam, bắt nguồn từ đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng ta, khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của lực lượng vũ trang 3 thứ quân của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là quân và dân Thủ đô Hà Nội anh hùng.

Chiến thắng B52, một dấu son chói lọi trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Dân tộc, là tiếng sấm mở đầu cho mùa xuân đại thắng năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”-12 ngày đêm chiến thắng B52 mãi mãi vẫn là niềm tự hào của sức mạnh tinh thần, ý chí, niềm tin và trí tuệ Việt Nam.

Từ trong lòng Hà Nội xưa, một Hà Nội mới ra đời, vẫn tràn đầy kỷ niệm, thương nhớ và tự hào của mọi người dân Việt Nam, đã trải qua những năm tháng đau thương, gian khổ, oai hùng của Dân tộc.

Minh Nhung

Top