Bảo tồn biệt thự cũ Hà Nội: Cần bảo tồn 'hồn cốt' của 'quỹ di sản'

13/04/2023 6:10 PM

(Chinhphu.vn) - Biệt thự cũ là “quỹ di sản” đặc biệt của Hà Nội. Việc bảo tồn, sửa chữa các biệt thự cũ, cổ là việc làm rất cần thiết. Quan trọng là khi bảo tồn, sửa chữa, chúng ta vẫn giữ được “hồn cốt” của “quỹ di sản” đó.

Ưu tiên kiểm định 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc

Mới đây, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố. Theo đó, 1.216 biệt thự theo danh mục công bố tại Quyết định 1845 ngày 2/6/2022 của UBND thành phố và một số công trình kiến trúc khác sẽ được kiểm định, trong đó ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc. 24 biệt thự này được đánh giá có giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc.

Bảo tồn biệt thự cũ Hà Nội: Cần bảo tồn “hồn cốt” của “quỹ di sản” - Ảnh 1.

Dự án tu bổ biệt thự mẫu tại số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, nằm trong khuôn khổ hợp tác của dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp giữa TP. Hà Nội và vùng Ile-de-France. Từ ngày khởi công (tháng 4/2022) cho đến nay, phía Pháp đã cử ê kíp các nhà chuyên môn, kiến trúc sư cùng tham gia với quận trong quá trình thiết kế, lập dự án tiến hành trùng tu công trình này. Ảnh: Thùy Chi

24 biệt thự cũ ưu tiên kiểm định gồm: Biệt thự tại số 10 Điện Biên Phủ; 26 Điện Biên Phủ; 17 Điện Biên Phủ; 71 Quán Thánh; 34 Phan Đình Phùng; 42 Quang Trung; 46 Trần Hưng Đạo; 51 Lý Thái Tổ; 62 Phan Đình Phùng; 12 Nguyễn Chế Nghĩa; 63 Bà Triệu; 5 Lê Phụng Hiểu-20 Tôn Đản; 67 Bà Triệu; 135 Phùng Hưng; 80 Nguyễn Du; 54 Nguyễn Du; 172 Bà Triệu; 36-38 Tăng Bạt Hổ; 28D Điện Biên Phủ; 83 Quán Thánh; 97 Quán Thánh; 12-14 Phan Đình Phùng; 36 Ngô Quyền; 55D Hàng Bài.

Bên cạnh đó, 8 công trình kiến trúc khác ưu tiên kiểm định, gồm: Báo Hà Nội mới, số 44 Lê Thái Tổ; Tháp nước Hàng Đậu; Trụ sở công an thành phố, 87-89 Trần Hưng Đạo; Cột cờ Hà Nội, số 28B Điện Biên Phủ; Trường PTTH Phan Đình Phùng, 30 Phan Đình Phùng; Trường THPT Chu Văn An, số 10 Thuỵ Khuê; Trường THPT Trần Phú, số 8 Hai Bà Trưng; Trường THPT Việt Đức, số 47 Lý Thường Kiệt.

UBND thành phố Hà Nội cũng đã có kế hoạch thiết lập hồ sơ quản lý, cơ sở dữ liệu, số hoá 3D đối với 222 biệt thự thuộc nhóm 1 và phần mềm quản lý nhà biệt thự theo Chương trình số 3 của Thành uỷ. Theo UBND thành phố, việc này nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan quản lý nhà nước về biệt thự; làm cơ sở để bảo tồn, chỉnh trang biệt thự cũ khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành theo Chương trình số 3; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954.

Theo kế hoạch, việc kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu Nhà nước do TP. Hà Nội quản lý, thực hiện xong trước 30/9/2023. Đối với 1.192 biệt thự còn lại sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá sơ bộ bằng phương pháp trực quan và chuyên gia, đưa ra đánh giá dựa trên các dấu hiệu bên ngoài của các kết cấu và phải hoàn thành xong trước ngày 30/6/2024.

Trong 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc được ưu tiên kiểm định có căn số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, diện tích hơn 400 m2. Đây là biệt thự do cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Hoàng Văn Nghiên từng thuê từ năm 2002-2014. Sau đó không có người sử dụng, hiện biệt thự đang bị bỏ hoang. Căn biệt thự này đã nhiều lần được cử tri quận Hoàn Kiếm kiến nghị thành phố có phương án quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, do Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng nên Hà Nội vẫn chưa đưa ra phương án quản lý, sử dụng đối với biệt thự này.

Lần này Tháp nước Hàng Đậu cũng được đưa vào trong số 24 biệt thự cũ được ưu tiên kiểm định. Đây là một trong những kiến trúc lâu đời còn sót lại của Thủ đô, là tháp nước cổ xưa nhất và để lại nhiều dấu ấn trong lòng người Hà Nội.

Trước đó, vào tháng 6/2022, Hà Nội cũng đã ban hành Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn. Theo đó, tất cả nhà biệt thự thuộc danh mục (gồm cả sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân) được phân cấp theo các mức độ để quản lý, tuyệt đối không được tự ý phá dỡ. Trường hợp biệt thự bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, muốn cải tạo phải có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng và được cấp thẩm quyền cho phép.

Chính vì vậy, lần này Hà Nội đưa ra việc khảo sát chi tiết được thực hiện bằng các dụng cụ và thiết bị chuyên dụng thí nghiệm, tính toán và đánh giá mức độ an toàn của kết cấu nhà và công trình. Từ đó, để xuất phương án xử lý tiếp theo như: tiếp tục sử dụng, sửa chữa, gia cường, hoặc các biện pháp can thiệp khác…

Cần làm tốt việc phân loại giá trị các biệt thự cũ

Thực hiện công tác kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự cũ và 8 công trình kiến trúc khác, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp nhận và quản lý hồ sơ khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng toàn bộ các biệt thự trên địa bàn thành phố để khai thác, sử dụng, quản lý nhà nước về biệt thự.

Sở Văn hoá thể thao sẽ hỗ trợ việc cung cấp thông tin biệt thự có giá trị lịch sử văn hoá, cách mạng, cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin chuyên ngành để thực hiện việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự.

Cho ý kiến về việc bảo tồn, sửa chữa các biệt thự cũ, cổ trên địa bàn Hà Nội, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội cho rằng, biệt thự cũ là “quỹ di sản” đặc biệt của Hà Nội, việc bảo tồn, sửa chữa các biệt thự cũ, cổ là việc làm rất cần thiết. Quan trọng là khi bảo tồn, sửa chữa, chúng ta vẫn giữ được “hồn cốt” của “quỹ di sản” đó. Không chỉ quan tâm đến vật thể mà còn có cả phi vật thể bên trong nữa.

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc bảo tồn, tu sửa các biệt thự cũ, cổ là giải pháp để nâng cao chất lượng sống của người dân trong các biệt thự. Hiện Hà Nội cũng đã có kế hoạch khảo sát, kiểm định và phân loại các biệt thự cổ này. Chúng ta cần có phân loại giá trị đặc biệt cần bảo tồn nguyên trạng, phân loại biệt thự có giá trị trung bình cần bảo tồn phong cách của nó nhưng được phép cải tạo nội thất bên trong. Một cách phân loại nữa đó là chỉ cần giữ gìn một số công trình chính, còn có thể cải tạo khu vực xung quanh. Quan trọng là chúng ta cần chú trọng đến đặc điểm của từng loại biệt thự.

Bảo tồn biệt thự cũ Hà Nội: Cần bảo tồn “hồn cốt” của “quỹ di sản” - Ảnh 3.

Sau khi hoàn thành, căn biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là Trung tâm giao lưu văn hóa Pháp của Hà Nội, nơi những người yêu di sản có thể tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp ở Hà Nội; tìm hiểu những ảnh hưởng, giao thoa văn hóa giữa hai nước Pháp - Việt Nam trong suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 hay nguyên tắc cơ bản trong trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị công trình kiến trúc Pháp cổ. Ảnh: Thùy Chi

Đồng quan điểm với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia cho rằng, việc chỉnh trang, sửa chữa biệt thự cũ cần phân loại để có cách "đối xử" khác nhau. Theo PGS.TS Bài, việc bảo tồn cần thích nghi với đời sống hiện tại. Trong phân loại đánh giá, cần lưu tâm tới phân loại giá trị kiến trúc, phân loại tình trạng kỹ thuật bền vững. Có căn biệt thự có thể giữ nguyên trạng, tuy nhiên có căn phải cải tạo để thích nghi. Đối với những căn biệt thự xuống cấp quá không bảo tồn được thì phải đập bỏ nếu tình trạng kỹ thuật quá xấu, ảnh hưởng tới tính mạng con người.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội thì cho rằng, đối với các loại di sản, chúng ta cần phải tôn trọng tính lịch sử, để khi bảo tồn, sửa chữa, chúng ta vẫn phải giữ được nét lịch sử giá trị của di sản văn hoá. Chẳng hạn như biệt thự xây từ thời Pháp thì phải giữ được nét cổ kính của thời Pháp chứ không phải thời…hiện đại. Cho nên, việc phân loại là đặc biệt quan trọng, cần phải cụ thể, tỉ mỉ đề đưa ra những phương án bảo tồn hợp lý đối với từng di sản.

Để làm tốt việc phân loại giá trị các biệt thự cũ, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, ngoài việc thực hiện phân loại theo khung pháp lý, chúng ta cần vận động các cơ quan nghiên cứu khoa học, các chuyên gia am hiểu để nhận diện từng công trình.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rằng biệt thự không phải bảo tàng "vật thể chết" mà là "vật thể sống". Cho nên người dân phải thực hiện được mục tiêu sống ở trong biệt thự chứ không nên chia quá nhiều hộ gia đình ra mà mỗi biệt thự là một hộ gia đình. Và người dân cũng phải có trách nhiệm gìn giữ.

Về phía nhà nước, nên có chính sách hỗ trợ tạo, điều kiện. Bởi bài học kinh nghiệm từ nước ngoài cho thấy, các nước phát triển như Ý, Pháp… đều được nhà nước hỗ trợ cho người dân để thực hiện bảo tồn biệt thự theo nguyên trạng. Tại Hà Nội, nhiều biệt thự cũ có chất liệu cửa gỗ, cửa chớp, phong cách kiến trúc cổ. Chất liệu gỗ thường đắt hơn inox, kim loại, tuy nhiên, không nên vì giá thành rẻ mà thay gỗ bằng inox, hay kim loại, thay các họa tiết lan can theo phong cách kiến trúc cũ thành phong cách hiện nay, như vậy sẽ không giữ được nguồn gốc của "quỹ di sản".

Theo kế hoạch của TP. Hà Nội, tiến độ thực hiện triển khai từ năm 2023 đến tháng 6/2025. Trong đó, năm 2023, thành phố giao cơ quan chức năng tổ chức đăng tải kế hoạch và tổ chức đấu thầu, công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu và số hoá 3D đối với 222 biệt thự thuộc nhóm 1 và phần mềm quản lý nhà biệt thự. Các công việc liên quan phải được tổ chức thực hiện xong trước 30/6/2025.

Thùy Chi

Top