Bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch

01/09/2016 2:05 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 1/9, TP. Hà Nội đã tổ chức gặp mặt đại biểu nghệ nhân, thợ giỏi thủ công mỹ nghệ Thủ đô, những người say mê sáng tạo, gắn bó với nghề, có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ, khôi phục, lưu truyền, phát triển các ngành, nghề thủ công mỹ nghệ, các làng nghề, phố nghề truyền thống.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội tặng quà lưu niệm cho đại diện các nghệ nhân, thợ giỏi của TP - Ảnh Gia Huy

Giải quyết việc làm, tăng thu nhập

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề, chiếm gần 26,5% tổng số làng nghề cả nước (5.096 làng nghề). Trong đó, có 292 làng nghề đã được công nhận, chiếm 14,6% số làng nghề cả nước đã được công nhận. Có 47 nghề trong tổng số 52 nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) trên toàn quốc, gồm: sơn, mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, dát vàng bạc quỳ, chế biến thuốc nam, mây che đan, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm...

Năm 2015, giá trị sản xuất của làng nghề Hà Nội đạt 14 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trong khu vực này đạt 35 triệu đồng/người/năm. Nộp ngân sách 320,6 tỷ đồng.

Những làng nghề tiêu biểu có giá trị sản xuất cao là làng nghề dệt kim La Phù (Hoài Đức) đạt 810 tỷ đồng/ năm; làng nghề dệt, nhuộm thôn Ỷ Lan (Hà Đông) đạt 416 tỷ đồng/ năm; làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm) đạt 350 tỷ đồng/năm... Thu nhập bình quân của người lao động ở làng nghề đạt khoảng 35 triệu đồng/ người/ năm.

Tuy nhiên, thu nhập bình quân của lao động ở các làng nghề không đều, có sự khác biệt. Một số nghề có thu nhập cao như gốm sứ, dệt lụa (70 triệu đồng/năm). Các nghề có thu nhập thấp như mây tre đan, nón mũ lá (20 triệu đồng/ năm).

Đến nay, đã có 214 nghệ nhân thuộc lĩnh vực nghề thủ công, mỹ nghệ được phong tặng qua các thời kỳ như: Nghề gốm sứ 35 nghệ nhân; nghề điêu khắc 33 nghệ nhân; nghề mây tre đan nứa lá 23 nghệ nhân; nghề thêu ren 14 nghệ nhân.. Tuy nhiên đến nay chỉ còn 147 nghệ nhân đang hoạt động nhề, số còn lại mất hoặc già yếu. 

Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đã tổ chức 3 đợt xét chọn và đề nghị Nhà nước xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân, Nghệ nhân ưu tú. Đến nay Hà Nội có 10 Nghệ nhân nhân dân và 30 Nghệ nhân ưu tú trong các lĩnh vực điêu khắc, gốm sứ, chạm bạc, đúc đồng...

Tạo thương hiệu, sản phẩm đặc thù làng nghề

Tại guổi gặp mặt, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cùng với các ngành kinh tế khác, những năm qua, ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô đã có nhiều đóng góp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Nhiều nghề được khôi phục, phát triển, như: Nghề thêu, dệt, gốm sứ, mây tre đan... hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Một số ngành nghề, làng nghề mới xuất hiện, tạo bước đột phá trong việc phát triển ngành, nghề trên địa bàn Thành phố.

Nhiều làng nghề, phố nghề, sản phẩm nghề thủ công mỹ nghệ của Thủ đô đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước; có tác động tích cực đến sự phát triển ngành du lịch Thủ đô.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Hội nghệ nhân, thợ giỏi Thủ đô, Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện. Sự tận tình, trăn trở, đau đáu với nghề của các hội viên, mà nòng cốt là các nghệ nhân, thợ giỏi của các làng nghề đã tạo nên sức sống, sức vươn lên cho ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô, góp phần quan trọng cùng Thành phố trong nỗ lực bảo tồn, phát huy, phát triển nghề, làng nghề truyền thống của Thủ đô.

Tuy nhiên, hiện nay, một số nhóm nghề thủ công mỹ nghệ phát triển manh mún, năng lực, sức cạnh tranh chưa cao. Nhiều nghề, làng nghề đang dần bị mai một, do các nghệ nhân có xu hướng bỏ nghề, lao động trẻ chưa thiết tha gắn bó với nghề. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất còn thiếu; ô nhiễm môi trường làng nghề đang là vấn đề bức xúc.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong mở mang, truyền nghề chưa chặt chẽ. Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật còn chậm. Đội ngũ thợ thủ công đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, tay nghề cao còn ít; năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm còn yếu; hiểu biết về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội còn hạn chế, nên chưa nắm chắc, hiểu rõ giá trị của việc truyền tải những nét văn hóa truyền thống dân tộc trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… 

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu là nghệ nhân, thợ giỏi thủ công, mỹ nghệ đã kiến nghị TP giao hội nghệ nhân nghiên cứu phát triển các sản phẩm đặc thù của các làng nghề phục vụ du lịch và xuất khẩu.

Về áp dụng khoa học kỹ thuật, hiện hầu hết các nghệ nhân được đào tạo trực tiếp từ làng nghề và theo kinh nghiệm truyền lại nên gặp khó khăn về cải tiến mẫu mã, bao bì hoặc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chính vì vậy các nghệ nhân kiến nghị thành phố cần có biện pháp đào tạo, hỗ trợ tại các làng nghề. Ngoài ra, các nghệ nhân cũng đề nghị thành phố có chính sách, chế tài quản lý thương hiệu của các làng nghề.

Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch sẽ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập, nhất là cho khu vực nông thôn, để nhân dân yên tâm sản xuất với tinh thần “ly nông bất ly hương”.

“Là những người gắn bó với nghề, hết lòng vì nghề, các bác, các anh, các chị - những nghệ nhân, thợ giỏi - là những người hiểu rõ hơn ai hết phải làm gì, làm thế nào để khơi dậy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo, sự khéo léo, tinh thông nghề nghiệp nhằm tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, độc đáo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, tạo thương hiệu cho các sản phẩm, các làng nghề, thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển”, Bí thư nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành uỷ, những kiến nghị, đóng góp của các nghệ nhân, thợ giỏi sẽ được thành phố tiếp thu, góp ý, giao cho Ban Cán sự Đảng thành phố và các ngành liên quan nghiên cứu và có những giải pháp để phát huy thế mạnh làng nghề, đồng thời xây dựng thương hiêu, tạo ra những sản phẩm riêng biệt, hấp dẫn trong phát triển du lịch.

Gia Huy

Top