Bảo tồn, phát huy toàn diện tiềm năng, giá trị của Hồ Tây

11/01/2024 3:23 PM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu bằng mọi giá phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy toàn diện những tiềm năng, giá trị của Hồ Tây, coi đây là nguồn lực để phát triển bền vững của quận; xây dựng đề án tổng thể để chung tay giải quyết các vấn đề về môi trường, hạ tầng, cảnh quan của Hồ Tây.

Bảo tồn, phát huy toàn diện tiềm năng, giá trị của Hồ Tây- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/GH

Sáng 11/1, Thường trực Thành ủy Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chủ trì làm việc với quận ủy Tây Hồ về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020-2023, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024 - 2025.

Ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng trường học, giao thông...

Theo UBND quận Tây Hồ, giai đoạn 2020-2023, kinh tế quận tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế do quận quản lý bình quân hàng năm đều tăng, năm 2023 tăng 14,6%. Thu ngân sách hàng năm đều tăng so với chỉ tiêu được giao. Năm 2023, tổng thu ngân sách quận đạt 119% kế hoạch năm; tổng chi ngân sách quận bằng 93% kế hoạch năm.

Chỉ số CCHC của quận đứng thứ 4/30 quận, huyện của Thành phố. Chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân đứng thứ 4/30 quận, huyện, thị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào CCHC, 100% văn bản đi, đến được số hóa. 100% các phường trên địa bàn quận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tây Hồ cũng là quận có nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp được áp dụng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Quận cũng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực Phân khu đô thị sông Hồng R3-R4 liên quan 5 phường ngoài đê. Phối hợp với Viện quy hoạch - Xây dựng; Sở Quy hoạch kiến trúc triển khai thực hiện đồ án Lập Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (phường Quảng An và phường Tứ Liên) tỷ lệ 1/500.

Quận Tây Hồ quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp văn hóa với 56 dự án với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Chỉ đạo xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng trường học, công trình y tế, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình dân sinh bức xúc, đường giao thông theo quy hoạch. Trong giải phóng mặt bằng, quận đã triển khai đối với 41 dự án (đặc biệt đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án khu đô thị Nam Thăng Long và khu đô thị Tây Hồ Tây). 

Tại cuộc làm việc, quận Tây Hồ nêu trên địa bàn quận có 3 dự án trọng điểm (bệnh viện Tim cơ sở 2, dự án Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An, dự án cầu Tứ Liên), quận đề nghị Thành phố sớm triển khai thực hiện 3 dự án trên để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận trong thời gian tới… Bên cạnh đó, đề xuất Thành phố cho phép quận đầu tư các dự án thuộc phân cấp của Thành phố như: Xây dựng tuyến đường ngoài đê Sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ (theo quy hoạch); xây dựng tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn, thuộc địa bàn quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm  (theo quy hoạch); xây dựng tuyến đường từ Lạc Long Quân đến Cống Đõ, phường Bưởi (theo quy hoạch).

Ngoài ra, đề nghị Thành phố giao quận thực hiện dự án xây dựng khu nhà tái định cư tại X1 (phường Phú Thượng) với 828 căn hộ; giao quận thực hiện GPMB và làm chủ đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư đối với ô đất CT4 thuộc Khu tái định cư Xuân La nhằm đáp ứng quỹ nhà tái định cư của Thành phố. Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường Hồ Tây.

Sớm thành lập Ban quản lý để phát triển không gian văn hóa Hồ Tây 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị quận sớm thành lập được Ban quản lý Hồ Tây để phát triển không gian văn hóa Hồ Tây cả về cả tâm linh, môi trường, mua sắm, gắn với văn hóa Hồ Tây… Theo đó, cần có cách làm đồng bộ, bài bản, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường nước, hạ tầng khu vực hồ, các tuyến giao thông kết nối.

Chủ tịch UBDN Thành phố gợi ý, quận có thể nghiên cứu phương án xây dựng những khu phố điển hình để người dân có thể hoán đổi, chia lại không gian sống, tổ chức lại trật tự đô thị từ đó tạo không gian mới để người dân được tham gia vào quá trình phát triển đô thị. Thành phố sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để quận triển khai thực hiện.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý, tuy đã phân cấp, ủy quyền cho quận về quản lý Hồ Tây nhưng các đơn vị liên quan của Thành phố vẫn có trách nhiệm, phấn đấu trong khoảng từ 3-5 năm giải quyết dứt điểm về hạ tầng để tạo điều kiện cho quận phát triển. Bên cạnh đó, quận cũng có kế hoạch xây dựng, giữ gìn, bảo tồn các nguồn gen thực vật đặc trưng để giữ được nguyên gốc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến lưu ý, quận cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng không gian phát triển Tây Hồ và đưa Tây Hồ trở thành quận trung tâm của Thành phố. Để khai thác lợi thế của Hồ Tây và khu vực bãi sông Hồng, quận sớm triển khai một số dự án như: Dự án xây dựng tuyến đường ngoài đê Sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ, góp phần giải quyết ách tắc trên tuyến Âu Cơ; Dự án Nhà hát Opera tại khu Đầm Trị, Khu văn hóa đa năng Quảng An để nâng cao giá trị khu vực Hồ Tây. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư xây dựng không gian văn phố đi bộ Trịnh Công Sơn để tổ chức các sự kiện của Thành phố và quốc gia. 

Bảo tồn, phát huy toàn diện tiềm năng, giá trị của Hồ Tây- Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh quận Tây Hồ có tiềm năng lớn về phát triển văn hoá, lịch sử và du lịch - Ảnh: VGP/GH

Quận Tây Hồ có tiềm năng lớn về phát triển văn hoá, lịch sử và du lịch

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá, quận Tây Hồ là một trong những địa danh gắn với những di tích văn hoá lịch sử nổi trội của Thủ đô, như Hồ Tây, nhiều làng nghề, di tích truyền thống đặc trưng. Theo đó, cùng với quận Hoàn Kiếm thì Tây Hồ có tiềm năng về phát triển văn hoá, lịch sử và du lịch rất lớn. Thời gian qua, quận đã cùng với Thành phố tập trung khơi thông nguồn lực, coi văn hóa là nguồn lực phát triển mới của Thủ đô và thể hiện sự phát triển bền vững của quận.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đồng ý với đề xuất chuyển giao việc quản lý hồ Tây về cho quận Tây Hồ thay vì 8 sở, ngành cùng quản lý như trước đây. Các sở, ngành cần chung tay cùng quận Tây Hồ quản lý Hồ Tây theo chức năng nhiệm vụ để địa danh này thực sự phát triển, trở thành một điểm đến văn hóa du lịch tiêu biểu của Thủ đô.

Đối với quận Tây Hồ, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị, quận phải giữ gìn và khơi thông được giá trị Hồ Tây và khu vực xung quanh Hồ Tây. Coi đây là nguồn lực để phát triển bền vững của quận. 

Để quản lý và khai thác tốt tiền năng của Hồ Tây, quận phải xây dựng Đề án tổng thể, đồng bộ với sự tham gia của các sở, ngành để chung tay giải quyết các vấn đề về môi trường, hạ tầng, cảnh quan.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, trong vòng 6 tháng, quận Tây Hồ cần hoàn thiện đề án, trình thành phố để xem xét, đưa vào triển khai trong thực tiễn. “Quan điểm là bằng mọi giá phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy toàn diện những tiềm năng, giá trị của Hồ Tây” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị quận cần có lộ trình thực hiện rõ ràng, rõ tiến độ thực hiện các công việc từ nay đến năm 2030. Trong đó, tập trung các dự án liên quan đến Hồ Tây và kết nối quanh Hồ Tây tạo sự thay đổi về diện mạo, môi trường, quản lý đô thị...

Gia Huy

Top