Bảo tồn phát triển làng nghề, thế mạnh sản phẩm OCOP

19/04/2023 12:41 PM

(Chinhphu.vn) - Sự phát triển làng nghề, các sản phẩm OCOP đã tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ việc làm đối với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả lao động già cả, người khuyết tật, trẻ em. Làng nghề phát triển đã giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn.

Bảo tồn phát triển làng nghề, thế mạnh sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Hà Nội đã và đang có nhiều giải pháp để bảo tồn, phát triển làng nghề. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong 1.350 làng nghề và làng có nghề của Hà Nội một số làng nghề, làng có nghề đã bị mai một trong thời gian hoạt động. Đến nay Thành phố còn 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 321 làng đã được UBND Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề của cả nước gồm 48 làng nghề truyền thống, 273 làng nghề.

Trong thời gian qua, Chi cục đã hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề cho 20 làng nghề/10 quận, huyện. 20 làng nghề đã hoàn thiện đủ 5 nội dung, trong đó có 17 làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN ra Quyết định chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; làng nghề Chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) đang hoàn thiện lại hồ sơ do bị trùng với 1 nhóm sản phẩm đăng ký bảo hộ với sản phẩm miến dong của tỉnh Lạng Sơn, làng nghề Quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ).

Để thúc đẩy phát triển làng nghề, trong năm 2022, đơn vị đã triển khai tổ chức 50 lớp tập huấn chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho làng nghề với 2.000 học viên là chủ các cơ sở sản xuất, người lao động tại các làng nghề trên địa bàn 5 huyện: Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Quốc Oai và Ba Vì.

Ngoài các sản phẩm làng nghề, các sản phẩm OCOP cũng được xem là thế mạnh của Thủ đô. Hiện nay, Thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP được công nhận, có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao.

Thực hiện văn bản số 2636/UBND-KTN ngày 15/8/2022 của UBND Thành phố về việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022. Hội đồng OCOP Thành phố đã tổ chức 13 hội nghị đánh giá, phân hạng lần 1 được 518 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã, trong đó có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do chuẩn bị hết thời hạn 36 tháng theo quy định. Trong 518 sản phẩm có 220 sản phẩm OCOP từ làng nghề, làng có nghề, chiếm 42,5%; 49 chủ thể là doanh nghiệp, có 169 sản phẩm, chiếm 32,6%; 39 chủ thể là HTX có 100 sản phẩm, chiếm 19,3%; 103 chủ thể là hộ kinh doanh có 249 sản phẩm, chiếm 48,1%.

Để tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, Hà Nội cũng đẩy mạnh việc liên kết chuỗi vừa bảo đảm truy xuất nguồn gốc vừa phát triển bền vững. Tính đến  nay trên địa bàn Thành phố có 149 chuỗi, trong đó có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 92 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Trong năm 2022 trên địa bàn Thành phố có thêm 16 liên kết được xây dựng mới trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng tại các quận, huyện và có 12 mô hình liên kết dừng hoạt động hoặc chuyển hướng sang hoạt động kinh doanh theo hình thức khác. Có nhiều mô hình điển hình như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao khu Cháy của Hợp tác xã Đoàn Kết; chuỗi gạo hữu cơ và Bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi Thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; Chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH thực phẩm sạch Ogarnic Green…

Bên cạnh đó, hiện toàn thành phố có 164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 109 mô hình trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình nuôi trồng thủy sản. Giá trị từ nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Trong đó, có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng rau hữu cơ cho thu nhập từ 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm, trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập từ 0,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, việc phát triển làng nghề đã tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ việc làm đối với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả lao động già cả, người khuyết tật, trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Hơn nữa, sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Bên cạnh đó, một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã chủ động trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ sản xuất trong làng nghề tham gia các Hội chợ, lễ hội nhằm phát triển làng nghề, quảng bá thương hiệu, sản phẩm làng nghề. Hỗ trợ đào tạo nghề, nhân cấy nghề; đầu tư phát triển hạ tầng làng nghề, giải quyết từng bước việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề…

Các sản phẩm OCOP của Thành phố đã được kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP... 

Các chuỗi đã tạo ra diện mạo mới cho ngành nông nghiệp, tạo bước chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế. "Các liên kết chuỗi đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho không chỉ doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh.", ông Chí cho hay.

Bảo tồn phát triển làng nghề, thế mạnh sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội tham quan gian hàng sản phẩm OCOP. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển các làng nghề, sản phẩm OCOP vẫn còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống còn nhiều hạn chế, đường giao thông xuống cấp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thiếu bền vững, tính cạnh tranh nhiều sản phẩm làng nghề chưa cao. Việc tham gia ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa chưa bắt kịp được xu thế phát triển thị trường, nhu cầu của khách hàng. Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại nhiều làng nghề, cụm công nghiệp đã được quan tâm và có đầu tư nhưng còn gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân cao.

Bên cạnh đó, các liên kết chuỗi không bền vững do bên sản xuất và tiêu thụ không khớp nối liên kết nên khi được mùa thì mất giá khiến Hợp đồng liên kết 2 bên dễ bị phá vỡ. Hay những khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ do chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện, các cơ chế chính sách còn chưa cụ thể đồng nhất.

Vì vậy, để bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP và liên kết theo chuỗi trên địa bàn thành phố, theo ông Nguyễn Văn Chí, Hà Nội cần đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, người tham gia sản xuất nông nghiệp, người tiêu dùng về phát triển nông nghiệp theo chuỗi, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP và các tác động tích cực tới đời sống kinh tế, xã hội. Từ đó tạo sự thống nhất các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí quan trọng, tính tất yếu của phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn; trách nhiệm của các cấp, các ngành; chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước đối với phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó là sự cần thiết và yêu cầu khách quan cần phải tiếp tục củng cố, đổi mới phương thức phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Xây dựng bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm gắn với mã truy xuất nguồn gốc, mã QR Code để minh bạch nguồn gốc sản phẩm. Hợp tác và liên kết trao đổi, tiêu thụ giống vật tư, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề Hà Nội với các tỉnh thành, các tỉnh thành với Hà Nội. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong việc kiểm soát số lượng, sản lượng nông sản lưu thông tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh. Nhất là việc đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối tiêu dùng,...

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ Nano, ... trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất. Phát triển sản xuất theo hướng an toàn, GAP, hữu cơ. Từng bước hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cho một số vùng sản xuất nông sản chất lượng trọng điểm tại các huyện, nhằm đẩy mạnh cơ giới hoá, hiện đại hoá các khâu trọng yếu trong quá trình.

Thiện Tâm

Top