Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với du lịch làng nghề

23/03/2022 3:25 PM

(Chinhphu.vn) - Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thị xã Sơn Tây đang tập trung bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề, trong đó có mở tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây vào dịp lễ 30/4 và 1/5.

Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với du lịch làng nghề - Ảnh 1.

Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây. Ảnh: VGP/Gia Huy

Quảng bá giá trị văn hóa, du lịch làng nghề vùng đất xứ Đoài

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, du lịch làng nghề còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của từng địa phương. Bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề là một hướng đi đúng và phù hợp được nhiều địa phương ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch.

Thị xã Sơn Tây hiện bảo tồn được nhiều di tích có giá trị về kiến trúc - nghệ thuật, lịch sử - văn hóa, bao gồm 244 di tích (trong đó có 75 di tích được xếp hạng với 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 59 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố) và 6 di tích cách mạng kháng chiến, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiều di tích nổi tiếng tiêu biểu đã đi vào lịch sử, thi ca, như thành cổ Sơn Tây, chùa Mía, đền Và, Làng cổ Đường Lâm; lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể (là hệ thống các cổ vật, di vật, thư tịch, văn bia, sắc phong...); có 78 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 65 lễ hội, 6 nghề thủ công, 5 tập quán xã hội và 2 trình diễn) trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là lễ hội đền Và, 8 di sản được ưu tiên bảo vệ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố về phát triển du lịch, dịch vụ, thị xã Sơn Tây xác định bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng. Địa phương đã ban hành nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, tập trung bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Trong những năm qua, thị xã Sơn Tây đã tích cực giới thiệu quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất xứ Đoài, về các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, những điểm đến thu hút khách du lịch của Sơn Tây đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tham dự các hội chợ xúc tiến du lịch; hội chợ ẩm thực Hà Nội. Giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề của địa phương với du khách.

Xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề

Hiện nay, thị xã đang triển khai Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, dự kiến hoạt động vào dịp lễ 30/4 và 1/5. Khi đi vào hoạt động, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ là không gian đi bộ thứ tư của Hà Nội, sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.

Cùng với đó, địa phương cũng đang xây dựng điểm đến Làng cổ Đường Lâm trở thành điểm đến đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia; kết nối với các di tích tiêu biểu như đền Và, Văn Miếu, Thành cổ Sơn Tây. Tiếp tục hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn mới, các di tích, địa danh, như Chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn, hồ Đồng Mô, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam... 

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai xây dựng các tour, tuyến du lịch nhằm kết nối du lịch thị xã với các vùng lân cận như Sơn Tây - Ba Vì - Vĩnh Phúc - Thạch Thất.

Đồng thời, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch phục vụ khách tham quan, phát triển sản phẩm du lịch đạt chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch, như tương Đường Lâm, gà Mía, thịt quay đòn, chè lam, kẹo dồi... 

Song song, đầu tư khôi phục phát triển các nghề truyền thống như: Làng nghề thêu ren Ngọc Kiên, Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, mật ong Kim Sơn. Tiếp tục nghiên cứu và thí điểm sản xuất các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương.

Bên cạnh đó, xây dựng và hiện thực hóa các đề án về phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm du lịch nhằm đa dạng hóa các dịch vụ du lịch. Thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng phát triển du lịch, dịch vụ. Xây dựng môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện.

Ngoài ra, thị xã Sơn Tây xác định bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ phát triển kinh tế mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo cho địa phương. Đồng thời bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.

Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề, thị xã Sơn Tây đang tổ chức nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng, nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho làng nghề truyền thống theo hướng đồng bộ, hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch, tăng cường nâng cao hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở phục vụ ăn uống, hệ thống khu vui chơi giải trí.

Sơn Tây cũng tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề; đầu tư nghiên cứu sản xuất hàng lưu niệm đặc trưng mang tính biểu tượng của làng nghề, địa phương phục vụ khách du lịch. 

Mặt khác, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình văn hóa tiêu biểu, tổ chức các lễ hội, chương trình nhằm phát huy những giá trị truyền thống phục vụ cho du lịch làng nghề phát triển.

Sơn Tây xác định bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển tiềm năng du lịch, nâng cao giá trị của nông nghiệp và nông thôn, góp phần phát triển các sản phẩm nông nghiệp thông qua chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), phát huy giá trị văn hóa của các địa phương.

Gia Huy

Top