‘Bắt tay’ đưa rau an toàn lên sàn thương mại điện tử
(Chinhphu.vn) - Rau là một trong những cây trồng chủ lực. Việc xúc tiến, hỗ trợ đưa rau an toàn (RAT) lên sàn thương mại điện tử được đánh giá là hướng đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Tồn tại nhiều hạn chế trong tiêu thụ
Khảo sát thực tế tại một số vùng sản xuất RAT trên địa bàn Thành phố của Hội Nữ trí thức Hà Nội cho thấy, các chỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ hiện đang RAT đang tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, việc đầu tư cơ sở hạ tầng của các tác nhân trực tiếp tham gia liên kết chưa được quan tâm đúng mức; 53% mô hình chưa có khu chế biến sản phẩm RAT riêng; 60% mô hình không có hệ thống truy xuất nguồn gốc để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đáng nói việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh RAT rất hạn chế khi có tới 65% mô hình không giao dịch điện tử, 75% mô hình không có trang giao dịch thương mại điện tử riêng. Sản phẩm RAT cũng chưa được minh bạch vì 79% mô hình không sử dụng hệ thống giám sát sản xuất; 66% số hóa đơn mua vật tư nông nghiệp đầu vào không được số hóa trong quản lý; 71% sản phẩm RAT của các mô hình không sử dụng tem truy xuất nguồn gốc.
Theo TS Phạm Thị Liên, Hội Nữ trí thức Hà Nội, trong quá trình triển khai Đề tài "Nghiên cứu thực trạng hoạt động và đề xuất một số mô hình liên kết khả thi trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Hà Nội", nhóm tác giả nhận thấy nhiều vấn đề đặt ra từ thực trạng hiện trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Thành phố hiện nay. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến các tác nhân tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.
"Do chưa được quan tâm đúng mức về trang bị hệ thống truy xuất nguồn gốc nên không ít sản phẩm rau dù đạt tiêu chuẩn an toàn hay VietGAP vẫn không thể vào được các kênh tiêu thụ hiện đại đòi hỏi tiêu chuẩn cao như hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch…", TS Phạm Thị Liên đánh giá.
Đưa rau sạch lên sàn giao dịch
Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Công ty Cổ phần Rau an toàn Hải Anh Nguyễn Thế Hanh (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) cho biết, ngay từ thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại khó khăn, các thương lái không thể đến các cơ sở sản xuất để thu mua; trong khi các loại rau ăn lá đã đến kỳ thu hoạch.
"Chúng tôi đã đứng ra thu mua và tiêu thụ cho những nông dân liên kết sản xuất với Công ty, bằng cách đăng tải hình ảnh về nông sản, sản phẩm OCOP của đơn vị, rao bán thông qua website, các trang mạng xã hội... để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và đặt hàng an toàn trong mùa dịch bệnh. Nhờ vậy, mỗi ngày công ty chúng tôi đã tiêu thụ được khoảng 5-6 tạ rau, củ cho người nông dân", anh Hanh cho biết và đến nay, việc đưa rau lên sàn thương mại vẫn được Công ty triển khai.
Với mong muốn mở ra hướng đi mới cho người dân trồng rau, HTX Chử Tâm (Văn Đức, Gia Lâm) chuyên trồng và cung cấp các loại rau, củ quả sạch ứng dụng công nghệ cao đã được thành lập. Đến nay, HTX Chử Tâm đã đáp ứng nhu cầu thị trường rau, củ quả sạch, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Anh Nguyễn Nguyên Ngọc, thành viên HTX Rau sạch Chử Tâm cho biết, các sản phẩm rau củ quả tại đây được trồng theo tiêu chuẩn VietGap vùng đặc biệt, với tiêu chí "sạch từ nông trại tới bàn ăn" nên sản phẩm rau - củ - quả phải được trồng tuân thủ quy định "3 không và 4 có". Cụ thể, "3 không" gồm: "Không thuốc trừ sâu - Không thuốc diệt cỏ - Không thuốc tăng trưởng nhanh"; còn "4 có" gồm: "Đất sạch - Giống sạch - Nước sạch - Canh tác sạch".
Phó Giám đốc HTX Rau sạch Chử Tâm Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ, rau được hội viên hợp tác xã sơ chế trước khi đưa ra thị trường, bình quân mỗi ngày, HTX Rau sạch Chử Tâm cung cấp ra thị trường từ 2-3 tạ rau sạch các loại. Hiện nay, các sản phẩm rau sạch của HTX được phân phối theo các kênh chính là phân phối trực tiếp tại hệ thống cửa hàng và kênh bán hàng online.
Niềm vui lớn đến HTX Rau sạch Chử Tâm khi Hội Nữ trí thức Hà Nội đã kết nối, hỗ trợ HTX thực hiện truy xuất nguồn gốc các loại RAT với Công ty CP Công nghệ SmartGap. Đây là một trong những phần việc quan trọng thuộc Đề tài "Nghiên cứu thực trạng hoạt động và đề xuất một số mô hình liên kết khả thi trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Hà Nội" mà Hội Nữ trí thức Hà Nội đang triển khai.
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho hay, sau khi hoàn thiện những bước truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm rau, HTX Rau sạch Chử Tâm sẽ ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty CP Công nghệ SmartGap bằng việc đưa rau sạch lên sàn giao dịch nông sản SmartGap Việt Nam. Liên kết này hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển bền vững, lâu dài của HTX, giúp các thành viên trong hợp tác xã yên tâm đầu tư sản xuất cũng như tăng lợi nhuận.
Đặc biệt, để hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, nâng cao giá trị nông sản, mới đây Hội Nông dân Thành phố, Bưu điện TP. Hà Nội đã thống nhất xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động năm 2022 với nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó, có việc phối hợp rà soát, thu thập thông tin của hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật lên giới thiệu và bán sản phẩm nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Posrmart.vn và Agri-postmart.vn.
Có thể nói, đây là hướng đi rộng mở cho nông sản nói chung và rau an toàn Thủ đô nói riêng để có thể đến gần hơn tới người tiêu dùng Hà Nội và cả nước.
Thành Nam