‘Bệ đỡ’ để doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi bán lẻ toàn cầu
(Chinhphu.vn) - Để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đạt được các tiêu chí về chất lượng, sản phẩm và giá thành. Khi trở thành nhà cung ứng chính thức cho thị trường Nhật Bản thì đây chính là “bệ đỡ” để doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi bán lẻ toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, Tập đoàn AEON là một trong những Tập đoàn bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản, hiện là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới. Đối với Hà Nội, thị trường Nhật Bản là một trong những thị trường truyền thống và trọng điểm của xuất khẩu hàng hóa trong nhiều năm nay.
Để vào được hàng Việt vào thị trường Nhật nói chung và trở thành nhà cung ứng chính thức cho AEON nói riêng, đòi hỏi sản phẩm Việt phải đạt được các tiêu chí về chất lượng sản phẩm và giá thành. Công cuộc này không hề dễ dàng. Đổi lại, đây sẽ là "bệ đỡ" khẳng định về chất lượng, thương hiệu để doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
"Việc quảng bá giới thiệu hàng Việt cho các hệ thống phân phối của các Tập đoàn lớn của nước ngoài ở Việt Nam đã là khó. Nhưng việc hỗ trợ để cho các doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận để các doanh nghiệp có thể đưa hàng hóa của mình vào bán ngay tại các siêu thị ở nước bản địa là một quá trình rất gian nan", bà Mai Anh cho biết thêm.
Mới đây, tại "Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP TP. Hà Nội năm 2022" (Hanoi Agriculture Fair 2022) do HPA tổ chức, Tổng Giám đốc AEON MALL Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho hay, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng của Nhật Bản là rất lớn. Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện phát triển sản xuất. Đặc biệt, AEON là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đang ưu tiên nhập khẩu 4 nhóm sản phẩm Việt Nam gồm: Dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe.
Như vậy, cánh cửa vào hệ thống phân phối AEON và thị trường Nhật Bản đang mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhưng để bước qua cánh cửa này lại không dễ dàng.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Thị Việt Nga, dự kiến đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu hàng Việt thông qua hệ thống AEON tại Nhật đạt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này lại không hề dễ dàng bởi Nhật Bản là thị trường "khó tính" khi đưa ra nhiều quy định về chất lượng, tiêu chuẩn.
Nói về những quy định của Nhật Bản áp dụng cho hàng nhập khẩu, Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty TNHH AEON Việt Nam Nishikwa Satoshi cho biết, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự tại thị trường Nhật Bản. Nhiều dòng sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như hàng thời trang may mặc, đồ gia dụng, thực phẩm… nhưng vẫn thua hàng hóa từ các nước khác nhập khẩu vào Nhật Bản.
"Điều này dẫn đến trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam, chỉ có khoảng từ 200 - 300 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, và kinh nghiệm xuất khẩu để đưa được hàng hóa vào AEON Nhật Bản", ông Nishikwa Satoshi nói.
Trong khi đó, Giám đốc Bộ phận thương mại TTTM AEON Hà Đông Fukui Tomoaki cho rằng, thị trường Nhật Bản có những tiêu chuẩn riêng và AEON cũng vậy. Để sản phẩm có thể góp mặt trên các kệ hàng của chuỗi siêu thị AEON, doanh nghiệp phải tuân thủ mọi quy định ở tất cả giai đoạn, từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng.
Các quy định này được phân cấp từ những quy định bắt buộc của pháp luật cho đến tiêu chuẩn quốc tế và chuyên ngành. Nếu Việt Nam có một quy trình sản xuất, kỹ thuật bảo quản, chế biến nông sản bằng phương pháp đông lạnh tốt thì có thể xuất khẩu được nông, thủy sản số lượng lớn và quanh năm sang Nhật Bản.
Theo ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm HPA, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn mà phía bạn đặt ra, nhất là về trang thiết bị sản xuất, nguồn nguyên liệu. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp còn sử dụng nguồn nguyên liệu từ nước khác, trong khi phía Nhật Bản mong muốn sản phẩm sử dụng chính nguyên liệu từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa vào Nhật cũng cần lưu ý, hàng hóa nhập khẩu đã cập cảng tại Nhật Bản, sau khi được kiểm dịch động, thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có vấn đề gì mới được chuyển qua thủ tục nhập khẩu. Khi thông quan, thực phẩm hay đồ đựng thực phẩm, bao bì phải được làm thủ tục báo cáo theo Luật Vệ sinh thực phẩm… Riêng với sản phẩm dệt may, phải thông báo cho nhà nhập khẩu về nguyên vật liệu và cách thức dệt may để thời gian thông quan được nhanh chóng.
Có thể thấy rõ rằng, Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới, Tập đoàn AEON lại là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Do vậy, thương hiệu, quy chuẩn, yêu cầu của họ là những yếu tố bắt buộc. Sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh thì mới có thể vào được kênh phân phối này và mới bán được. Và khi trở thành nhà cung ứng chính thức cho AEON nói riêng, thị trường Nhật Bản nói chung, đây chính là "bệ đỡ" để doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Diệu Anh