Bệnh thủy đậu gia tăng tại Hà Nội

09/02/2017 2:19 PM

(Chinhphu.vn)- Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường đã khiến bệnh thủy đậu gia tăng nhanh. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh thủy đậu, trong đó, trẻ em thường hay mắc bệnh hơn. Tuy nhiên, gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều người lớn mắc bệnh này.

Bệnh thủy đậu đang gia tăng

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, BS.Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, gần đây, số ca mắc bệnh thủy đậu tăng nhanh với gần 50 bệnh nhân phải nhập viện điều trị trong vòng một tháng.

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu phải vào bệnh viện này điều trị lên tới vài chục người. Hầu hết bệnh nhân đều là người lớn và là những ca bệnh nặng.

BS. Vũ Mạnh Cường, Khoa Bệnh nhiệt đới,Bệnh viện E cũng thông tin, trong 1 tháng qua, Khoa đã tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca bệnh thủy đậu, nhưng may mắn không có trường hợp bị biến chứng nguy hiểm và tử vong.

Theo các bác sĩ, bệnh thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân kéo dài cho tới hết mùa xuân. Hiện đang là thời điểm vào mùa của bệnh thủy đậu nên bệnh dễ lây lan rộng trong môi trường tập thể. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.

Bệnh thủy đậu có thể phòng bằng vaccine, do đó, người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên tiêm phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt đối với người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm phòng vaccine phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Các bác sĩ cũng cho biết, đa số người mắc bệnh chưa được tiêm vaccin phòng thủy đậu, tuy nhiên cũng có một số trường hợp đã tiêm vaccine rồi vẫn mắc bệnh. Bởi vì, trên thực tế, với những người đã được tiêm vaccine ngừa bệnh thủy đậu thì khả năng phòng bệnh đạt từ 80-90%.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người cần tiêm đủ 2 liều vaccine thủy đậu, tiêm phòng bệnh cho trẻ từ 12 tháng tuổi.

Cũng theo các bác sĩ, hiện nay dù đã được truyền thông rất nhiều về căn bệnh này nhưng nhiều người dân vẫn còn cách hiểu sai lầm, dẫn tới cách chữa bệnh, phòng ngừa bệnh không đúng, gây bệnh nặng hơn. Phổ biến nhất là khi thấy trẻ bị thủy đậu thì gia đình tìm mọi cách kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn…

Nhiều gia đình còn không cho trẻ tắm, ủ ấm cho trẻ khiến cho bệnh của trẻ càng nặng thêm, dễ dẫn đến nhiễm trùng tại vết thương và gây biến chứng. Thậm chí có người lấy gốc rạ tắm cho trẻ với quan niệm, đây là bài thuốc dân gian để nhanh khỏi bệnh, và hậu quả là trẻ bị ngộ độc.

Theo BS. Vũ Mạnh Cường, khả năng phát tán virus thủy đậu ra môi trường xung quanh rất lớn, 2-3 ngày trước khi người bệnh xuất hiện triệu chứng nổi mụn nước và kéo dài 3 tuần sau khi các mụn nước đã khô. Vì thế, phòng ngừa và điều trị thủy đậu càng sớm càng tốt.

Hiện nay đã có thuốc uống (trong 48 giờ đầu) ngăn ngừa khả năng phát tán virus thủy đậu. Tại các nước phát triển, thủy đậu được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều gia đình vẫn chưa chú ý đến việc tiêm vaccine ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ đúng lịch, nên virus vẫn lưu hành.

Tin, ảnh: Hiền Minh

Top