Các điểm du lịch lớn tại Hà Nội sẵn sàng đón khách dịp nghỉ Lễ

26/04/2023 4:48 PM

(Chinhphu.vn) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, giỗ tổ Hùng Vương năm nay kéo dài 5 ngày, đây là dịp để các gia đình nghỉ ngơi, đồng thời là "cơ hội vàng" để các điểm di tích trên địa bàn Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn đón chờ người dân và du khách trải nghiệm.

Các điểm du lịch lớn tại Hà Nội sẵn sàng đón khách dịp nghỉ Lễ - Ảnh 1.

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước vào các dịp nghỉ lễ. Ảnh: VGP

Theo TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, do vậy nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân cũng sẽ tăng cao. Trung tâm đã chỉnh trang cảnh quan xanh sạch đẹp, trang trí các nấm hoa; chuẩn bị tốt hệ thống bán vé điện tử thuận tiện cho khách tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tăng cường lực lượng cán bộ làm việc tại các vị trí; tiếp tục duy trì hoạt động của các trưng bày, triển lãm, khu vực trải nghiệm giáo dục di sản để phục vụ tốt khách tham quan.

"Đặc biệt, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ theo chỉ đạo của Sở Du lịch Hà Nội vừa qua, chúng tôi đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho người lao động và khách tham quan. Cán bộ, nhân viên của Trung tâm được tiêm đủ vaccine, trang bị vật dụng phòng hộ bảo đảm an toàn khi tiếp xúc với khách tham quan. Mọi khu vực của di tích được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Trung tâm cũng tích cực truyền thông về công tác phòng, chống dịch trong di tích, bảo đảm du khách thực hiện nghiêm quy định", TS Lê Xuân Kiêu cho biết.

Các điểm du lịch lớn tại Hà Nội sẵn sàng đón khách dịp nghỉ Lễ - Ảnh 2.

TS.Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: VGP/Minh Anh

Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết thêm, dự kiến trong dịp nghỉ lễ này, lượng khách đến tham quan sẽ đạt được như trước khi dịch COVID- 19 bùng phát, khoảng 3.000 - 4.000 lượt khách tham quan/ngày, do đó Trung tâm đang tranh thủ mọi nguồn lực nhằm xúc tiến thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích và nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch, đặc biệt tập trung vào xây dựng hệ thống quản lý vé và các dịch vụ trong di tích có ứng dụng công nghệ, xây dựng các sản phẩm thực tế ảo, hệ thống thuyết minh tự động nhằm linh hoạt đáp ứng mọi nhu cầu của khách tham quan, nghiên cứu lịch sử văn hóa khoa học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong bối cảnh mới.

"Năm 2023, Văn Miếu-Quốc Tử Giám tập trung xây dựng chương trình tham quan đêm theo hình thức ứng dụng chiếu sáng nghệ thuật và công nghệ 3D Mapping kể câu chuyện lịch sử và đạo học..., dự kiến trong tháng 7 sẽ ra mắt phục vụ khách tham quan", TS Lê Xuân Kiêu cho biết.

Còn tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày "Chung một con đường", giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước gần 200 tài liệu, hiện vật tiêu biểu, làm nổi bật vai trò của Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67 tại Hoàng thành Thăng Long) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975; nhấn mạnh sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng từ Tổng Hành dinh đến khắp các mặt trận, vào những thời khắc quan trọng nhất của cách mạng miền Nam.

Các điểm du lịch lớn tại Hà Nội sẵn sàng đón khách dịp nghỉ Lễ - Ảnh 3.

Khách quốc tế trải nghiệm tour đêm tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, để đa dạng dịch vụ du lịch phục vụ khách, Trung tâm đã phối hợp với Công ty Du lịch Bền vững Việt Nam S.T.I.D và Công ty Mỹ thuật Long Thành xây dựng tour du lịch dành cho khách quốc tế "Đêm Hoàng Cung Thăng Long - Một cảm nhận độc đáo". Chương trình sẽ góp phần vào trong hoạt động của ngành Du lịch thu hút khách du lịch quốc tế đến với Hà Nội và Việt Nam. Dịp nghỉ Tết vừa qua, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã đón 3,3 vạn lượt khách du xuân, tham quan, trải nghiệm các hoạt động văn hóa ngày Tết.

Cũng theo ông Quang, để bảo tồn và phát huy được giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long thì quan trọng nhất là phải làm nổi bật được 3 giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản, trong đó có giá trị rất quan trọng đó là trung tâm quyền lực của đất Việt trải dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ. Thời gian qua, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu các văn hoá phi vật thể, các nghi lễ truyền thống, cũng như xây dựng các tour, tuyến tham quan để tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu câu chuyện về Hoàng thành Thăng Long. Quan trọng nhất là để du khách khi đến Di sản, không bị "hàn lâm" quá mà có thể hiểu được, tiếp cận được gần nhất các câu chuyện lịch sử mà cha ông đã để lại.

"Trong thời gian tới, bên cạnh công tác khai quật khảo cổ học, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm ra hướng đi nhằm phát huy giá trị di tích và truyền tải thông tin đến du khách và nhân dân, học sinh qua nhiều kênh khác nhau như trưng bày, thăm quan tại hố khai quật, tổ chức các chương trình học đường, ứng dụng CNTT trong tổng hợp, lưu giữ tư liệu…", Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nhấn mạnh.

Cùng với Hoàng thành Thăng Long hay Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều di tích lịch sử văn hoá khác trên địa bàn Hà Nội như Di tích Nhà tù Hoả Lò (quận Hoàn Kiếm); Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây); Làng gốm cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Khu di tích lịch sử thành Cổ Loa (huyện Đông Anh) … cũng đã sẵn sàng các chương trình phục vụ du khách trong nước và quốc tế tham quan, trải nghiệm nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5.

Các điểm du lịch lớn tại Hà Nội sẵn sàng đón khách dịp nghỉ Lễ - Ảnh 4.

Khách quốc tế thưởng thức đặc sản ẩm thực tại Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), theo ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, hiện nay, lượng khách du lịch đến Đường Lâm khá đông và đa dạng, ngoài các đoàn khách nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử... thì rất đông khách trong nước và quốc tế tham quan tìm hiểu văn hóa vùng miền, trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp địa phương.

"Ban Quản lý di tích cũng đã xây dựng kế hoạch để tổ chức khai trương tuyến du lịch ẩm thực tại Làng cổ Đường Lâm nhân dịp nghỉ lễ này, nhằm giúp du khách có thể tham gia trải nghiệm, thưởng thức các đặc sản ẩm thực của Làng cổ như làm bánh tẻ Phú Nhi kết hợp với trải nghiệm các tour di sản, tour nông nghiệp, các chương trình sáng tạo cho trẻ em. Ban Quản lý cũng chú trọng đảm bảo công tác an toàn chống dịch cho cả người dân và du khách theo chỉ đạo của Sở Du lịch Thành phố. Trước đó, dịp Tết hàn thực (3/3 âm lịch) vừa qua, Ban Quản lý đã phối hợp tổ chức tái hiện lại Lễ hội vật chùa Ón cũng như giới thiệu đến du khách phong tục làm bánh trôi, bánh chay ở địa phương, khách đến làng cổ có thể trực tiếp tham gia vào quá trình làm bánh…", ông Nguyễn Đăng Thạo chia sẻ.

Theo Sở Du lịch Hà Nội dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và Giỗ tổ Hùng Vương năm 2023, sẽ có khoảng 20 hoạt động nổi bật ở khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn Thủ đô

Để đảm bảo cho người dân, du khách đón kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 an toàn, thuận tiện, Sở đã có công văn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong hoạt động du lịch trên địa bàn.

Minh Anh

Top